Phiên họp Quốc hội ngày 4-11 được truyền hình, phát thanh trực tiếp để người dân theo dõi - Ảnh: quochoi.vn
Quốc hội dành cả ngày thảo luận về kinh tế - xã hội
Theo chương trình kỳ họp, sáng nay 4-11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Cùng với đó, thảo luận về tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quốc hội cũng thảo luận về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi.
Lần đầu tiên Việt Nam có ngân hàng nắm khối tài sản vượt 100 tỉ USD
Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3-2024. Theo đó, tổng tài sản hợp nhất tại thời điểm cuối tháng 9 năm nay của ngân hàng này đã đạt hơn 2,57 triệu tỉ đồng, tăng 12% so với hồi đầu năm. Với con số này, lần đầu tiên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam ghi nhận nhà băng có tổng tài sản vượt 100 tỉ USD.
BIDV cũng là nhà băng có tổng tài sản lớn nhất ngân hàng. Trong cơ cấu tổng tài sản của ngân hàng này, dư nợ cho vay khách hàng của BIDV đến cuối tháng 9 đạt hơn 1,95 triệu tỉ đồng, tăng gần 10% so với hồi đầu năm.
Ở chiều huy động, BIDV cũng có lượng tiền gửi của khách hàng lên hơn 1,87 triệu tỉ đồng, tăng 10% so với đầu năm.
Đại gia bảo hiểm, dầu khí bị "cuốn" cả trăm tỉ, nghìn tỉ lợi nhuận
Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
Dữ liệu mới nhất từ FiinTrade, tính đến đầu tháng 11-2024 đã có 1.060 doanh nghiệp niêm yết đại diện 98,5% vốn hóa toàn thị trường công bố kết quả kinh doanh quý 3-2024.
Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường trong quý 3 năm nay tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023, duy trì tốc độ ổn định so với 2 quý trước đó, tăng 20,7% so với cùng kỳ trong quý 1 và tăng 21,4% trong quý 2.
Đáng chú ý, tăng trưởng đóng góp chủ yếu bởi nhóm phi tài chính tăng 29% trong khi nhóm tài chính ghi nhận mức tăng thấp hơn 15,7% do kết quả kém đi ở chứng khoán và bảo hiểm.
Quý 3 năm nay, thanh khoản thị trường chứng khoán thấp, giao dịch kém sôi động. Kết quả, nhóm công ty chứng khoán kéo giảm 344 tỉ đồng lợi nhuận tăng trưởng của toàn thị trường quý 3 này. Còn nhóm bảo hiểm phi nhân thọ cũng giảm lợi nhuận 409 tỉ đồng, do ảnh hưởng việc đền bù sau bão Yagi, thông tin từ WiGroup - đơn vị dữ liệu khác trên thị trường.
Ngoài ra, lợi nhuận nhóm lọc dầu và bán lẻ xăng dầu cũng sụt giảm mạnh do giá xăng giảm, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quý 3 năm nay lỗ 1.209 tỉ đồng trong khi năm ngoái họ lãi 3.235 tỉ đồng, tức kéo giảm tăng trưởng 4.445 tỉ đồng. Bán lẻ xăng dầu Petrolimex lợi nhuận giảm 82%, PV OIL lợi nhuận giảm 84%. Tổng hai nhóm này giảm gần 5.200 tỉ đồng của thị trường.
Đề xuất phạt tiền tới 15 triệu đồng nếu sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trái quy định
Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 144/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại dự thảo, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung các mức phạt xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.
Trong đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép hoặc chiếm giữ trái phép trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng với hành vi mua, bán, cầm cố hoặc đổi trái phép trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở...
Dự thảo cũng đề xuất phạt tiền từ 1-2 triệu đồng với hành vi giả danh lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng với hành vi xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng với hành vi sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trái quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Đến hết năm 2024, dự kiến hoàn thành hơn 243km đường ven biển
Đường Võ Chí Công, tuyến đường ven biển Quảng Nam, dài 36,5km từ cầu Cửa Đại (huyện Duy Xuyên) đến nút giao quốc lộ 40B (TP Tam Kỳ), quy hoạch rộng 38m - Ảnh: LÊ TRUNG
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến hết năm 2024, cả nước dự kiến hoàn thành 243,5km đường ven biển.
Trong đó, năm 2022 đã đưa vào khai thác 79,3km đường ven biển qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh (đoạn Vân Đồn - Móng Cái).
Năm 2024 dự kiến hoàn thành 164,2km đường ven biển qua địa bàn các tỉnh, thành phố Hải Phòng (19,6km), Thái Bình (35,5km), Nam Định (65,8km), Ninh Bình (3,25km), đoạn qua tỉnh Nghệ An (7,5km), Bình Thuận (32,5km).
Cũng theo báo cáo, dự kiến hết năm 2024 hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng 365,8km đường và cầu của các địa phương.
Gồm Hà Giang (41,5km), Thái Nguyên (42,55km), Bắc Kạn (37km), Phú Thọ (53,5km), Bắc Giang (42,16km), Hải Phòng (2,2km), Hải Dương (36,5km), Hưng Yên (33,5km), Ninh Thuận (22,3km), Tây Ninh (14,9km), Long An (14,2km), Cà Mau (25,5km).
Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 4-11. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY.
Dự báo thời tiết các vùng miền ngày 4-11.