Chuyên mục  


Báo cáo thường niên về sức mạnh quân đội Trung Quốc năm 2021 của Lầu Năm Góc đánh giá Bắc Kinh sở hữu lực lượng không quân lớn nhất châu Á và thứ ba thế giới. Không quân và hải quân Trung Quốc có khoảng 2.800 phi cơ các loại, không tính máy bay không người lái (UAV) và máy bay huấn luyện. Khoảng 2.250 chiếc trong số này là chiến đấu cơ, với 1.800 chiếc là tiêm kích.

Giới quan sát đánh giá với lực lượng tiêm kích hùng hậu này, không quân Trung Quốc đang chuyển dần hình thái tác chiến từ bảo vệ không phận sang "phòng thủ kết hợp tiến công", xây dựng lực lượng có khả năng triển khai sức mạnh tầm xa để thu hẹp khoảng cách với phương Tây. Nòng cốt của lực lượng này là J-10, mẫu tiêm kích được phát triển dựa trên thiết kế của chiến đấu cơ Israel.

Tiêm kích J-10B Trung Quốc huấn luyện bay thấp hồi năm 2018. Ảnh: PLAAF.

Trung Quốc bắt đầu phát triển tiêm kích J-10 từ năm 1988 để đối trọng với chiến đấu cơ Su-27 và MiG-29 Liên Xô. Dự án được giao cho Viện Thiết kế Máy bay Thành Đô, sử dụng công nghệ tên lửa và radar hiện đại, nhằm thay thế cho tiêm kích J-7 và cường kích Q-5.

Năm 1992, Trung Quốc và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao, tăng cường hợp tác quốc phòng. Hai năm sau, giới chức Mỹ ngỡ ngàng phát hiện các tập đoàn quốc phòng Israel đã cung cấp cho Trung Quốc thiết kế khung thân và khí động học của Lavi, mẫu tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4 mà Washington và Tel Aviv đã hợp tác chế tạo từ thập niên 1980, dựa trên nền tảng tiêm kích General Dynamics F-16.

Mỹ trước đó đã rút khỏi dự án Lavi do chi phí quá đắt đỏ. Nhờ thông tin được Israel chuyển giao, Trung Quốc đã sao chép, phát triển thành công tiêm kích J-10 với ngoại hình cùng nhiều tính năng tương đồng chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.

Phiên bản đầu tiên mang tên J-10A được ra mắt và đưa vào biên chế năm 2004. Trung Quốc bắt đầu phát triển biến thể J-10B nâng cấp và thực hiện chuyến bay thử lần đầu sau đó 4 năm. Đến năm 2014, dòng J-10B bắt đầu được biên chế với khả năng tiếp dầu trên không và những cải tiến về công nghệ radar.

Biến thể mới nhất của dòng tiêm kích này là J-10C, bản nâng cấp từ J-10B và trang bị động cơ WS-10 nội địa. Điều này cho thấy Trung Quốc đang tìm cách thay thế dần động cơ AL-31 của Nga bằng sản phẩm trong nước, nhằm hạn chế phụ thuộc công nghệ nước ngoài.

Khung thân J-10 cơ bản có nhiều nét giống tiêm kích Lavi của Israel. Nó có thể đạt tốc độ tối đa 1.350 km/h, tầm bay 2.600 km khi được tiếp dầu trên không và bán kính chiến đấu 1.240 km.

Tiêm kích được trang bị một pháo GSh-23 cỡ nòng 23 mm, 11 giá treo vũ khí có thể mang tên lửa đối không, đối đất, bom thông thường và bom dẫn đường bằng laser, tên lửa diệt hạm, tên lửa tấn công mặt đất, cho phép thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau.

Một nguyên mẫu Lavi trong bảo tàng tại Israel. Ảnh: Wikipedia.

Các biến thể J-10B và J-10C đều trang bị cửa hút gió cải tiến giúp giảm tiết diện phản xạ radar. Trung Quốc cũng trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) hiện đại cho mẫu J-10C, cho thấy nó sẽ được sử dụng triệt để trong thời gian dài.

Cho đến nay, chưa có biến thể nào của dòng J-10 trải qua thực chiến như các máy bay cùng thế hệ thứ tư như F-15, F-16 Mỹ hay Su-27 Nga. Tuy nhiên, J-10 vẫn đóng vai trò nòng cốt khi chiếm đa số trong lực lượng không quân Trung Quốc, với hơn 548 chiếc được sản xuất tính đến năm 2021.

Pakistan là khách hàng nước ngoài đầu tiên đặt mua tiêm kích J-10C với đơn hàng 36 chiếc. Máy bay đầu tiên được Bắc Kinh bàn giao cho Islamabad hồi tháng 3 năm nay.

"Với vai trò là tiêm kích đa năng chủ lực của Trung Quốc, các biến thể J-10 sẽ tiếp tục là trụ cột không quân nước này trong tương lai. Bắc Kinh có khả năng tìm kiếm thêm khách hàng để xuất khẩu sau khi bán J-10C cho Pakistan", Wesley Culp, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Tổng thống và Quốc hội Mỹ, nhận định.

Duy Sơn (Theo Business Insider)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020