Đón dòng vốn "xanh"
Một ngày đầu tháng 12/2021, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch thông báo ký biên bản ghi nhớ với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công Nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) về việc xây dựng nhà máy rộng 44ha tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, dự kiến tạo ra 4.000 việc làm.
Thời điểm đó, cả nước vẫn còn trong những tháng đầu tiên của trạng thái bình thường mới sau nhiều tháng giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19. Dự án tỷ USD của LEGO như một minh chứng cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam vẫn rất lớn, dù cho khi đó các hoạt động kinh tế - xã hội tại khu vực phía Nam nói riêng và Việt Nam nói chung chưa được mở cửa hoàn toàn trở lại.
Chỉ 3 tháng sau, tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho tập đoàn đến từ Đan Mạch. Và đến đầu tháng 11/2022, LEGO đã chính thức khởi công nhà máy thứ 6 của họ trên thế giới và là nhà máy thứ 2 tại châu Á tại Khu công nghiệp VSIP III.
Theo ông Niels B. Christiansen, Tổng giám đốc điều hành LEGO, dự án tại Việt Nam là nhà máy đầu tiên của tập đoàn này được thiết kế thành cơ sở trung hòa carbon. Những sản phẩm đồ chơi LEGO "Made in Vietnam" đầu tiên dự kiến sẽ xuất xưởng vào năm 2024.
Phối cảnh nhà máy tỷ USD của LEGO tại tỉnh Bình Dương (Ảnh: LEGO)
Lý giải vì sao LEGO lại lựa chọn Việt Nam để đầu tư xây dựng nhà máy, ông Niels B. Christiansen giải thích có 3 lý do chính. Đầu tiên, ông tin tưởng Việt Nam có đủ nguồn lao động có kỹ năng qua đào tạo để đáp ứng việc vận hành các công nghệ, kỹ thuật cao khi nhà máy đi vào vận hành. Thứ hai, Việt Nam có quan hệ thương mại rất tốt với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường chính mà dự kiến nhà máy này sẽ phục vụ.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam có tầm nhìn rất mạnh mẽ về việc phát triển bền vững, giảm phát thải phù hợp với tầm nhìn của tập đoàn Đan Mạch. Không chỉ có ý nghĩa về quy mô, dự án tỷ USD của LEGO còn khẳng định xu hướng đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào Việt Nam.
Với những cam kết mạnh mẽ về mục tiêu tăng trưởng bền vững, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam đang thu hút được những nhà đầu tư lớn, các dự án với công nghệ cao có chung tầm nhìn về kinh tế xanh.
"Thương vụ của tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em đã đánh dấu son trong việc thu hút vốn đầu tư "sạch" vào Việt Nam. Ngành công nghiệp đang chuyển hướng, ưu tiên vốn đầu tư vào lĩnh vực chế tạo - sản xuất công nghệ cao và "sạch" hơn. Việt Nam đang ở cửa ngõ của sự phát triển, với nhiều tiềm năng để vươn xa hơn trong bản đồ thế giới", ông Lê Huy Đông, Quản lý Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp của Savills Hà Nội nhận định.
Việt Nam được kỳ vọng là điểm đến của dòng vốn xanh (Ảnh: Hữu Khoa).
Sức bật mới từ FDI công nghệ cao
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đến hết ngày 20/10/2022 đạt 22,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất theo chu kỳ 10 tháng trong 5 năm qua.
Không chỉ gia tăng về lượng, một điểm đáng chú ý là ngày càng nhiều dự án FDI công nghệ cao chọn Việt Nam làm bến đỗ. Pegatron, nhà cung cấp của Apple, đã công bố kế hoạch đầu tư dài hơi tại Việt Nam với tổng số vốn dự kiến lên tới 1 tỷ USD. Một đối tác lớn khác của Apple là Foxconn cũng cam kết rót 300 triệu USD mở rộng sản xuất tại Bắc Giang.
Nhiều cơ quan truyền thông quốc tế như Nikkei Asia, Financial Times, CNBC cho biết các sản phẩm đồng hồ thông minh Apple Watch, máy tính Macbook sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Song song đó, một ông lớn toàn cầu khác là Samsung cũng đã có kế hoạch bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam từ năm 2023.
Các ông lớn Apple, Samsung có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam (Ảnh: SSVN).
Theo ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng của Tập đoàn VinaCapital, có nhiều động lực thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu đầu tư các nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam gồm lực lượng lao động kỹ năng cao, mặt bằng lương cạnh tranh, vị trí địa lý gần với các chuỗi cung ứng công nghệ cao ở châu Á. Song song đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng thúc đẩy thêm sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
"FDI công nghệ cao thúc đẩy GDP của Việt Nam theo hai cách. Thứ nhất là nâng cao thu nhập và thứ hai là nâng cao năng lực sản xuất của quốc gia đối với các sản phẩm phức tạp", ông Kokalari bình luận. Kinh tế trưởng của VinaCapital nhấn mạnh việc sản xuất các sản phẩm phức tạp với hàm lượng công nghệ cao sẽ tạo ra "hiệu ứng lan tỏa" khiến các nhà sản xuất trong nước cũng phải đa dạng hóa, chuyển dịch sang các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị.
Hiện tại, các nhà máy FDI tại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hầu hết linh kiện đầu vào để sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng hay điện thoại thông minh. VinaCapital kỳ vọng hàm lượng nhập khẩu trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm dần và đóng góp của hàm lượng nội địa sẽ tăng cao khi các doanh nghiệp trong nước củng cố khả năng cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp FDI trong những năm tới.
Nhận xét về lợi thế khi thu hút dòng vốn công nghệ cao, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á Christopher J Marriott nhận định trong tương quan so sánh với các thị trường khác trong khu vực, có thể thấy chi phí đầu tư tại Việt Nam rất phù hợp. Chi phí cho hoạt động kinh doanh tại các thị trường như Singapore, Trung Quốc hiện nay đều đã tăng cao. Các doanh nghiệp đang tìm đến những thị trường thay thế và Việt Nam đang làm rất tốt trong việc đón đầu xu hướng này sau đại dịch.
Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho rằng, với nguồn cung lao động chất lượng và giá cả phải chăng của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
"Trong bối cảnh các công ty đa quốc gia tìm cách mở rộng hoạt động tại Việt Nam, một phần do chiến lược Trung Quốc+1 và một phần do 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, FDI vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng", ông Cany nhận định tại Hội nghị Triển vọng Thị trường Việt Nam do HSBC tổ chức vào cuối tháng 9/2022.
Tuy nhiên, Chủ tịch EuroCham cũng lưu ý Việt Nam vẫn cần cải thiện một số điểm để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là cơ sở hạ tầng về giao thông và cả năng lượng. Song song đó, trong một môi trường toàn cầu đầy cạnh tranh, Việt Nam cũng cần tạo điều kiện dễ dàng hơn nữa cho hoạt động kinh doanh, ưu tiên cải thiện khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính và ưu đãi cho doanh nghiệp.