Chuyên mục  


Phiên 2 chất vấn QH sáng 11/11

Sáng 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng là thành viên Chính phủ đầu tiên "mở màn" phiên chất vấn, trả lời chất vấn kéo dài 2 ngày tại kỳ họp 8 của Quốc hội.

Thống đốc nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu xoay quanh bất cập trên thị trường vàng, giải pháp bình ổn kim loại quý, điều hành tỷ giá, lãi suất cũng như chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão Yagi...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Media Quốc hội

'Vàng trong dân là vàng chết'

Bà Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn đại biểu Ninh Bình đề cập một trong những tồn tại của thị trường vàng là chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành tiền đồng (VND) để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh. Ảnh: Media Quốc hội

"Vàng trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế", bà Thanh chất vấn.

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhắc lại chủ trương chống vàng hóa, đôla hóa nền kinh tế nên "không khuyến khích người dân giữ vàng, nhất là vàng miếng giá trị cao".

"Giá trị vàng rất lớn nhưng khi nắm giữ có nghĩa là số tiền đó người dân không sử dụng được. Tiền đó chuyển hóa ra VND có cơ hội kinh doanh, đầu tư lĩnh vực khác như cho vay sản xuất, đầu tư cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán...", bà Hồng phân tích.

Đây cũng là lý do, theo Thống đốc, cơ quan quản lý đưa ra chính sách Nhà nước độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ kinh doanh mua bán kim loại quý.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Hoàng Phong

Thực tế, diễn biến thị trường vàng trong nước thời gian qua luôn trong tình trạng sốt nóng. Từ cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng với mục tiêu tăng cung để giảm chênh lệch giá với thế giới. Song giá không giảm mà liên tục tăng, chênh lệch với quốc tế nới rộng lên gần 20 triệu đồng một lượng.

Hồi tháng 5, có thời điểm vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng một lượng, buộc nhà điều hành có biện pháp can thiệp mạnh tay hơn. Họ chuyển bán tăng cung cho thị trường qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty Vàng bạc Đá quý SJC. Mức chênh giữa giá trong nước và quốc tế dần thu hẹp, từ 18-20 triệu đồng rút về còn 3-4 triệu đồng một lượng vào cuối tháng 10.

Tuy nhiên, thị trường vàng diễn biến khó lường. Bà Hồng giải thích do nhiều yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới. Chưa kể, vàng cũng phụ thuộc nhiều biến số như lãi suất, tỷ giá, giá dầu trên thị trường quốc tế.

Việt Nam không sản xuất vàng, Thống đốc cho rằng việc can thiệp thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng của quốc tế. "Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến này để đưa ra các chính sách can thiệp khi cần thiết, ổn định thị trường vàng", bà nói.

Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành đánh giá tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, và tham mưu, đề xuất Chính phủ giải pháp để xử lý tồn tại trên thị trường này.

"Mục tiêu là chống vàng hóa trong nền kinh tế, nên các chính sách đưa ra phải làm sao để kim loại quý không còn là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói thêm.

Liên quan tới vàng trang sức mỹ nghệ, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho hay Nghị định 24 quản lý thị trường vàng không cấm doanh nghiệp nhập nguyên liệu về làm vàng trang sức, song thực tế "chúng ta lại cấm".

"Tư duy này đang vi phạm nguyên tắc không quản được thì cấm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân", ông An nói, thêm rằng hiện nhiều gia đình đi tìm mua nhẫn cưới thôi cũng khó.

Thống đốc nói Nghị định 24 quy định cách quản lý vàng miếng và trang sức mỹ nghệ. Với vàng trang sức mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất loại vàng này. Kinh doanh vàng trang sức là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, nguyên liệu vàng trang sức mỹ nghệ là nhập khẩu và doanh nghiệp có thể mua bán ở thị trường trong nước. Ngân hàng Nhà nước không cấm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Song theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng. Do đó, theo bà Hồng, tùy theo chính sách tiền tệ của từng thời kỳ, cơ quan quản lý có chính sách phù hợp về xuất nhập khẩu vàng.

Không dưới một lần Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhắc Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cần "trả lời gọn lại" các câu hỏi của đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn, sáng 11/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông cũng đề nghị các đại biểu "hỏi nhanh, đáp gọn", dành một phút cho mỗi lượt nêu vấn đề và chỉ tập trung một đến hai vấn đề. "Cố gắng để nhiều đại biểu được chất vấn nhất và các trưởng ngành trả lời được nhiều vấn đề nhất", ông Mẫn nói.

Vẫn chưa thể bỏ hạn mức tín dụng

Một trong những kiến nghị "trở đi trở lại" được các đại biểu nêu qua nhiều kỳ họp, là khi nào Ngân hàng Nhà nước dỡ bỏ điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng. Nội dung này đã được đưa vào Nghị quyết chất vấn của Quốc hội ở kỳ họp trước.

"Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện yêu cầu này thế nào?", ông Đỗ Đức Hồng Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp hỏi.

Tương tự những lần trả lời trước đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định "chưa thể bỏ điều hành theo hạn mức tín dụng". Bà phân tích thực trạng nền kinh tế phụ thuộc lớn vào vốn, nếu mỗi tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vài chục phần trăm sẽ tiềm ẩn rủi ro. Theo bà, hiện vốn ngân hàng vẫn là nguồn lực chính, cung ứng cho nền kinh tế. Các kênh vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần, cổ phiếu chưa giải quyết được nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, World Bank, tổ chức tài chính, chuyên gia quốc tế đều nhìn nhận dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức cảnh báo, nên Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo Thủ tướng chưa bỏ hạn mức tín dụng.

Dù vậy, bà Hồng cho hay việc điều hành tín dụng của cơ quan quản lý đã "linh hoạt hơn". Trong đó, nhà chức trách cấp hạn mức theo đánh giá xếp loại, để biết tổ chức tín dụng nào có khả năng kiểm soát rủi ro.

Định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 15%. Tính tới 31/10, tín dụng tăng trên 10%. Từ cuối 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân. hàng. Từ tháng 8, tổ chức tín dụng cũng được điều chỉnh tự động, với nguyên tắc không vượt quá 80% mức Ngân hàng Nhà nước thông báo.

Dù vậy, trước nỗi lo nợ xấu có xu hướng tăng cao trở lại so với 2022, bà Trần Hồng Nguyên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề "giải pháp nào để giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng?".

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tới cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu nội bảng 4,55%, gần bằng mức cuối 2023. Mức này tăng so với mức 2% của 2022. "Đây là thực tế, vì từ 2020 đến nay, Covid-19 khiến người dân, doanh nghiệp khó khăn. Họ bị giảm nguồn thu, không có tiền trả vay ngân hàng nên phát sinh nợ xấu", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng Hồng nói.

Để kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thẩm định kỹ khả năng trả nợ của khách hàng khi cho vay, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Với nợ xấu hiện hữu, các nhà băng tăng biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ, phát mãi tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Dù vậy, bà Hồng thừa nhận việc này "cũng khó khăn trong bối cảnh hiện tại".

Dư nợ vay bị thiệt hại do bão Yagi khoảng 190.000 tỷ đồng

Bà Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn đại biểu Tuyên Quang hỏi về chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng sau bão Yagi. Bà dẫn lại số liệu cho thấy, tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 81.000 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp, thủy sản khoảng 31.000 tỷ đồng.

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay sau khi bão Yagi xảy ra tác động nghiêm trọng tới người dân, doanh nghiệp tại 26 tỉnh, thành phố. Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp khảo sát, dư nợ chịu tác động bởi bão Yagi khoảng 12.000 tỷ đồng, chỉ đạo các ngân hàng rà soát khách hàng vay vốn, để xác định, đánh giá mức độ thiệt hại dư nợ vay.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tại 26 tỉnh, thành, số dư nợ bị thiệt hại khoảng 190.000 tỷ đồng. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay và miễn, giảm lãi cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động.

Hệ thống ngân hàng tham gia các công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi khoảng 40.000 tỷ đồng. Tính tới 31/10, các ngân hàng đã cho vay mới theo chương trình ưu đãi khoảng 27.000 tỷ đồng, dư nợ được giảm lãi suất khoảng 82.000 tỷ. Các nhà băng cũng thực hiện mọi giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thôn chịu thiệt hại do bão Yagi.

Hoài Thu - Viết Tuân - Sơn Hà

Xem diễn biến chính

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020