Chuyên mục  


hoa-phat-173129811391072770082.jpg

Tỉ phú Trần Đình Long cam kết cung cấp 6 triệu tấn thép làm đường sắt tốc độ cao, rẻ hơn nhập khẩu - Ảnh: H.P.

Chính phủ đẩy mạnh chủ trương phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ngành công nghiệp thép Việt Nam đang có cơ hội lớn để thể hiện khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước và giảm thiểu phụ thuộc vào thép nhập khẩu.

Hòa Phát đã nghiên cứu làm thép ray hơn 3 năm qua

"Vua thép" Trần Đình Long vừa tuyên bố mạnh mẽ về năng lực cung cấp thép cho dự án quan trọng này. Theo ước tính của các đơn vị tư vấn, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ cần tới 6 triệu tấn thép các loại. 

Đây là một khối lượng khổng lồ mà không phải quốc gia nào cũng có khả năng đáp ứng, nhất là với yêu cầu chất lượng khắt khe và tiến độ thời gian chặt chẽ.

Vai trò là nhà sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á và đứng trong top 50 thế giới, ông Trần Đình Long đã lên tiếng khẳng định Hòa Phát cam kết bốn điểm chính: 

- Đảm bảo khối lượng thép theo yêu cầu; 

- Duy trì tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; 

- Đáp ứng đúng tiến độ giao hàng; 

- Mức giá cạnh tranh, thấp hơn so với thép nhập khẩu.

Hiện nay với công suất 8,5 triệu tấn thép mỗi năm, Hòa Phát đang là nhà cung cấp thép lớn nhất Đông Nam Á. 

Khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành vào năm 2025, năng lực sản xuất thép thô của tập đoàn sẽ vượt mốc 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, một trong những sản phẩm có chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao như cơ khí chế tạo và xây dựng.

Đặc biệt ông Long nhấn mạnh rằng Hòa Phát có khả năng sản xuất được thép ray đường sắt cao tốc, một sản phẩm phức tạp và đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt.

Theo ông Long, trong ba năm qua, Hòa Phát đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển dòng thép ray, tập trung vào các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ hệ thống đường sắt cao tốc. 

Về mặt công nghệ, ông Long tiết lộ rằng Hòa Phát sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến từ nhóm G7 (bao gồm các quốc gia có nền công nghệ phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản…) để đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn cao nhất.

Tập trung tối đa phát triển sản phẩm phục vụ đường sắt cao tốc

Trước đó, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Long nhấn mạnh làm đường ray đường sắt tốc độ cao là việc khó và tốn kém, nhưng Hòa Phát quyết tâm thực hiện vì niềm tự hào là doanh nghiệp Việt có đủ khả năng và tiềm lực công nghệ để tham gia các dự án lớn của quốc gia.

Dự kiến đến năm 2028, Hòa Phát sẽ hoàn thành sản phẩm thép đường ray và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo GS.TS Bùi Xuân Phong, nguyên chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam, việc Hòa Phát hay bất kỳ doanh nghiệp Việt nào có thể tham gia làm đường sắt cao tốc cũng "rất đáng ủng hộ".

"Chúng ta có chủ trương đẩy mạnh nội địa hóa, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, không có lý do gì không ủng hộ", ông Phong nói.

Đầu tháng 10-2024, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy khẳng định rằng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được triển khai bằng nguồn ngân sách quốc gia, hạn chế sự ràng buộc từ công nghệ nước ngoài.

"Nếu có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài, điều kiện tiên quyết là phải sử dụng dịch vụ hàng hóa mà trong nước sản xuất được, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia với giá trị xây dựng lên tới 34 tỉ USD", ông Huy nói.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020