Chuyên mục  


"Chúng tôi ủng hộ lệnh bắt và cho rằng quyết định dũng cảm này phải được tất cả quốc gia thành viên ICC thực hiện để khôi phục niềm tin vào cơ quan quốc tế", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 23/11 nói.

ICC ngày 21/11 ban hành lệnh bắt đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu bộ trưởng quốc phòng Israel Yoav Gallant, cùng thủ lĩnh quân sự Hamas Mohammed Deif với cáo buộc về tội tác chống lại loài người và tội ác chiến tranh trong xung đột Gaza.

"Các nước phương Tây nhiều năm qua dạy cho thế giới bài học về luật pháp, công lý và nhân quyền cần phải giữ lời hứa của họ vào lúc này", ông Erdogan nói.

Ông Erdogan đã nhiều lần chỉ trích gay gắt Israel kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát hồi tháng 10/2023. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia không phải là thành viên ICC, tháng này cùng 52 nước khác gửi thư tới Liên Hợp Quốc kêu gọi chấm dứt bán và chuyển giao vũ khí cho Israel.

Tướng Hossein Salami, chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, ngày 22/11 cũng mô tả lệnh bắt của ICC là "động thái đáng hoan nghênh", đồng thời nhấn mạnh đây là "án tử chính trị" cho Israel.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại thành phố Istanbul ngày 1/9. Ảnh: AFP

ICC được thành lập năm 2002, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Đây là tòa án thường trực để truy tố cá nhân phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Israel không phải thành viên ICC, nhưng Nhà nước Palestine tham gia Quy chế Rome từ 2015, do đó, tòa có thể điều tra, truy tố và phát lệnh bắt với bất kỳ ai liên quan tội ác ở Gaza hay Bờ Tây.

Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ lệnh bắt của ICC, ví quyết định của tòa "như phiên xét xử Dreyfus thời hiện đại", nhắc đến vụ đại úy quân đội Pháp gốc Do Thái Alfred Dreyfus bị kết án oan về tội phản quốc hồi thế kỷ 19. Cựu bộ trưởng quốc phòng Gallant cho rằng lệnh bắt của ICC tạo tiền lệ nguy hiểm.

Các nước phương Tây có phản ứng trái ngược về lệnh bắt.

Mỹ, nước không phải thành viên ICC, chỉ trích động thái của tòa là "sự xúc phạm" và khẳng định tiếp tục "sát cánh" cùng Tel Aviv. Argentina cho rằng tòa đã "phớt lờ quyền tự vệ hợp pháp của Israel trước các cuộc tấn công liên tục của Hamas và Hezbollah". Hungary tuyên bố sẽ mời Thủ tướng Netanyahu tới thăm, dù nước này là thành viên ICC.

Trong khi đó, một số nước như Anh và Ireland đã tuyên bố sẽ tôn trọng quyết định của ICC. Khi phóng viên hỏi Thủ tướng Simon Harris ngày 22/11 rằng Ireland có bắt Thủ tướng Israel nếu ông ấy đặt chân đến lãnh thổ nước này hay không, ông Harris trả lời rằng "chắn chắc sẽ làm vậy".

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni ngày 22/11 cho biết các bộ trưởng G7 sẽ nhóm họp tại nước này vào tuần tới để thảo luận. Bà cho rằng vấn đề này cần được phân tích thêm, trong khi Phó thủ tướng Matteo Salvini tuyên bố Italy vẫn chào đón ông Netanyahu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto trước đó một ngày tuyên bố Italy sẽ bắt Thủ tướng Israel nếu ông tới nước này.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói Berlin đang "xem xét thêm". Bà cho biết Đức "ràng buộc" với ICC vì là một quốc gia công nhận tòa án này và tôn trọng luật pháp quốc tế. Pháp tuyên bố sẽ lưu ý tới lệnh của ICC, song không nêu quan điểm rõ ràng

Trong khi đó, Trung Quốc, nước không phải thành viên ICC, kêu gọi tòa án quốc tế "duy trì lập trường khách quan và công bằng" khi thực hiện các quyền hạn theo luật định.

Thùy Lâm (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020