Chuyên mục  


8,4 triệu người Hà Nội đã chờ đợi đã 14 năm

Trải qua một thời gian dài thi công xây dựng, đến thời điểm này, phần trên cao của dự án Nhổn – Ga Hà Nội đã sẵn sàng cho việc đưa vào vận hành chính thức từ ngày 8/8/2024. 

Theo dõi các biểu đồ chạy tàu, tình hình vận hành tuyến, trạng thái khai thác của các đoàn tàu… đó là công việc đang được các kỹ sư và công nhân thực hiện tại nhà ga Nhổn trong những ngày này, để sẵn sàng vận hành chính thức đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị thứ 2 tại Hà Nội.

4544220169084955713168049087179630969008081n-17230209880431262008160-1723076633336-1723076634133340794035.jpg

Ảnh: MRB Hà Nội

Công trình này khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015, nhưng sau bốn lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của toàn tuyến dự kiến là năm 2027. 

Theo quyết định phê duyệt đầu tư tại thời điểm khởi công, dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 34.826 tỷ đồng.

Sau 14 năm thi công xây dựng, việc đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị này là sự mong đợi của tất cả 8,4 triệu người dân Thủ đô. Dự án là một trong những dự án giao thông quan trọng của Thành phố, với mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải thiện hệ thống vận tải công cộng và góp phần bảo vệ môi trường.

z55105628721825b7dbcbab9384bd6be3c886422d6e30c-1717600357935309605028-17230208806051116417772-1723076635023-1723076635442175609889.jpg

Ảnh: MRB Hà Nội

Như vậy, thời gian tới, nhiều người dân tại thủ đô Hà Nội sẽ có thêm sự lựa chọn phương tiện giao thông công cộng khác ngoài đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã khánh thành năm 2021.

Người dân đi metro Nhổn - ga Hà Nội như thế nào?

Tuyến đường sắt đô thị metro Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5 km, từ ngày 8/8 sẽ vận hành thương mại trước đoạn trên cao dài 8,5 km, từ Nhổn đến Cầu Giấy, bao gồm 8 ga: Nhổn (S1); Minh Khai (S2); Phú Diễn (S3); Cầu Diễn (S4); Lê Đức Thọ (S5); Đại Học Quốc Gia (S6); Chùa Hà (S7); Cầu Giấy (S8).

Từ sáng ngày 8/8, người dân có thể đến bất cứ ga nào trong 8 ga của tuyến để mua vé đi tàu. Tại các nhà ga, hành khách có thể mua vé trực tiếp qua nhân viên hoặc qua máy bán tự động. 

4534029249045868683743417176429076949841939n-1723021056303976802136-1723076636536-1723076636734400679042.jpg

Ảnh: MRB Hà Nội

Để mua vé tại quầy bán vé tự động, hành khách dùng tiền mặt đưa vào khe nhận tiền và chọn ga đến. Các nút bấm trên máy đều dạng cảm ứng vân tay. Sau khi nhận tiền, máy sẽ nhả vé (thẻ nhựa) và tiền thừa (nếu có).

Tại mỗi quầy bán vé tự động đều có nhân viên nhà ga trực hỗ trợ hành khách mua vé. Nếu không mua được tại máy bán vé tự động, có thể mua trực tiếp tại quầy bán vé trong sảnh.

4532644539045869983743288168664187397594269n-17230210562831956762569-1723076637998-17230766382391216295173.jpg

Ảnh: MRB Hà Nội

Hành khách đi 1 ga sẽ mất 8.000 đồng, đi toàn tuyến phải trả 15.000 đồng (tuy nhiên vì metro Nhổn - ga Hà Nội chỉ mới khai thác tới ga Cầu Giấy, nên thời gian đầu giá vé sẽ là 12.000 đồng/toàn tuyến).

Vé ngày 24.000 đồng có giá trị trong một ngày và không hạn chế số lượt; vé tháng 200.000 đồng, ưu tiên học sinh, sinh viên 100.000 đồng/ tháng... Thời gian sử dụng vé tháng được tính theo thời gian thực trong 30 ngày (kể từ ngày phát hành vé). Đặc biệt, vé tàu Nhổn - ga Hà Nội có nhận dạng, vì vậy nếu mua vé tháng, hệ thống tự động sẽ nhận dạng đúng chủ vé mới cho hành khách lên tàu.

Tuy nhiên trong 15 ngày đầu tiên sau khi vận hành chính thức, metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ miễn phí với mọi hành khách đi tàu. 

4537516639045872517076361065638936674403671n-1723021056254464171341-1723076639281-17230766395602010270361.jpg

Ảnh: MRB Hà Nội

Sau khi mua vé, người dân sẽ nhận được vé đi tàu bằng thẻ nhựa hoặc đồng xu. Khách dùng vé này đi qua cổng soát vé tự động (bằng cách quẹt thẻ) để lên ke ga đợi tàu. Tại ga xuống, khách phải dùng thẻ quẹt (đưa vào khe cổng soát vé) tại sảnh ga tầng 2 (nơi bán vé, kiểm soát vé) để đi qua cổng soát vé chiều ra. 

Vé sau khi mua chỉ có giá trị trong 20 phút, nếu khách không lên tàu phải đến quầy vé để cập nhật lại. Mỗi vé tàu chỉ được quẹt 1 lần khi cửa ra vào mở.

Trong 3 tháng đầu, giờ mở tuyến là 5 giờ 30 phút; giờ đóng tuyến là 22 giờ, giãn cách chạy tàu đều đặn 10 phút/chuyến. Riêng ngày đầu vận hành thương mại 8/8, chuyến đầu tiên sẽ bắt đầu chạy từ 8h.

1723020928604709222900-1723076640288-1723076640434722809769.jpg

Ảnh: MRB Hà Nội

Trên tàu có trang bị đầy đủ các tiện nghi như: Điều hòa không khí, thông gió, hệ thống phát thanh hành khách, hệ thống camera, hệ thống phát hiện cháy và khói độc lập, đèn LED tự động điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp khi đi vào đoạn ngầm... Nội thất bên trong tàu với các gam màu sáng cùng hệ thống đèn LED ánh sáng trắng sẽ luôn tạo cảm giác thoáng đãng, mang đến sự thoải mái, dễ chịu cho hành khách khi ở trên tàu.

Tàu có sàn thấp nên rất tiện lợi cho hành khách lên xuống, nhất là những người có mang hành lý hoặc phải di chuyển bằng xe lăn. Ngoài ra, trên tàu còn có những khu vực ưu tiên dành riêng cho người khuyết tật, ghế dành cho người già, phụ nữ và trẻ em.

2 tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô Hà Nội có đặc điểm gì?

Để thực hiện hóa giấc mơ phát triển mạng lưới phương tiện đường sắt công cộng chủ lực trong tương lai, tại Hà Nội, từ hơn 10 năm trước đã bắt đầu khởi công xây dựng đường sắt đô thị. Đến năm 2024, thủ đô thành công đưa tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao) vào khai thác thương mại.

Về thời gian xây dựng, cả 2 tuyến đều liên tục chậm tiến độ. Trong đó, tuyến 2A được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008, khởi công năm 2011, đưa vào khai thác tháng 11/2021. Tuyến số 3 đoạn trên cao được UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án năm 2009, khởi công năm 2010, đưa vào khai thác tháng 8/2024.

cat-linh-ha-dong-2-17230211432921719039115-1723076641540-1723076641738727037659.jpg

So sánh 2 tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô. Ảnh: LĐO

Về vốn, cả 2 tuyến đều đội vốn ở mức cao. Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng, sau đó “đội vốn” lên 18.002 tỷ đồng. Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư ban đầu 18.408 tỷ đồng, sau đó ddieuf chỉnh lên 34.826 tỷ đồng.

Về công nghệ, tuyến 2A sử dụng 13 đoàn tàu (mỗi tàu có 4 toa) do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) sản xuất. Tuyến số 3 thì sử dụng 10 đoàn tàu được nhà sản xuất Alstom (Cộng hòa Pháp) thiết kế riêng.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội cũng có 4 toa như Cát Linh - Hà Đông, tuy nhiên sức chứa khác nhau. Cát Linh - Hà Đông có sức chứa 960 hành khách, bao gồm cả hành khách ngồi và đứng, tỉ lệ ghế ngồi 144/960, chiếm 15%. Còn tàu tuyến Nhổn - ga Hà Nội có sức chứa 944 hành khách, tỉ lệ ghế ngồi 94 ghế, chiếm 10%.

Về vận tốc, cả 2 tuyến đều chạy với tốc độ trung bình 35km/h (tối đa 80km/h). Tuy nhiên, tính năng gia tốc của Nhổn - ga Hà Nội cao hơn.

36 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội cho biết đã hoàn thiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa xe buýt với đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (Nhổn - Cầu Giấy).

Trong đó, có 33 tuyến trợ giá, gồm: 05, 07, 09A, 09B, 13, 16, 20A, 20B, 24, 26, 27, 28, 29, 32, 34, 38, 39, 49, 51, 55A, 55B, 57, 90, 92, 105, 117, 146, 161, 162, 163, E05, 56A, 96. Cùng với đó là 3 tuyến không trợ giá, gồm: 70A, 70B, 70C.

Dọc tuyến có 2 điểm trung chuyển khách tại Cầu Giấy và Nhổn; 32 điểm dừng xe buýt (chiều Cầu Giấy - Nhổn có 16 điểm dừng, chiều Nhổn - Cầu Giấy có 16 điểm dừng).

Cũng theo đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội, mạng lưới tuyến xe buýt cơ bản tạo được sự kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, thuận tiện cho hành khách trung chuyển giữa hai tuyến đường sắt đô thị bằng hệ thống xe buýt.

Hai tuyến đường sắt đô thị được kết nối với nhau bởi 9 tuyến buýt, gồm: tuyến số 29, 49, 57, 05, 27, 38, 90, 105, 09B.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020