Nhân viên làm việc tại nhà máy sản xuất chip bán dẫn ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc - Ảnh: AFP
Những sản phẩm giá phải chăng từ Trung Quốc không chỉ mang lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn, mà còn khiến những ông lớn lâu đời như Samsung hay Apple phải nỗ lực tìm cách giữ vững vị trí của mình.
Tăng trưởng nhanh
Một ví dụ điển hình là trường hợp của Mark Manga, 25 tuổi, sống tại tỉnh Cavite của Philippines. Anh đã mua một chiếc điện thoại thương hiệu Infinix do công ty Trung Quốc Transsion Holdings sản xuất với giá 9.999 peso (4,4 triệu đồng).
Mark chia sẻ với báo Nikkei Asia: "Tôi chọn Infinix vì bạn tôi gợi ý rằng đây là thương hiệu tốt cho việc chơi game. Và thực sự đúng vậy, nó hoạt động tốt, nhanh và hệ điều hành cũng rất mới mẻ".
Tuy nhiên, anh cũng bày tỏ sự thất vọng về chất lượng camera: "Camera của máy hơi mờ, nhưng tôi hiểu điều này thường gặp ở các điện thoại chơi game vì nhà sản xuất tập trung vào đồ họa và hệ thống hơn".
Tại các cửa hàng điện thoại ở các trung tâm thương mại lớn tại Manila, các dòng sản phẩm của Transsion như Tecno được bày bán rộng rãi. Các sản phẩm này có giá từ dưới 8.000 peso (3,5 triệu đồng) đến hơn 20.000 peso (8,8 triệu đồng).
Theo một nhân viên bán hàng, điện thoại của Transsion rất phổ biến với thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 nhờ khả năng xử lý dữ liệu cao và giá cả phải chăng.
Thực tế, theo dữ liệu từ Canalys trong quý 2-2024, Transsion đã dẫn đầu thị trường Philippines với 31% thị phần, trong khi Samsung chỉ đạt 15%.
Trong khu vực Đông Nam Á, Transsion đứng thứ năm với 14% thị phần, nhưng tốc độ tăng trưởng của hãng đang rất nhanh chóng kể từ năm 2023. Chỉ vài năm trước, thương hiệu này hầu như không được biết đến.
Ngoài Transsion, các thương hiệu Trung Quốc khác như Oppo và Xiaomi cũng đang nhanh chóng mở rộng tại khu vực.
Oppo đã ra mắt dòng sản phẩm A60 tại Việt Nam vào tháng 4-2024 với mức giá phải chăng chỉ từ 5,49 triệu đồng. Tuy nhiên, chiếc điện thoại này không hỗ trợ 5G và có ít tính năng hơn so với các sản phẩm cao cấp.
Xiaomi cũng tăng cường mở rộng dòng sản phẩm giá rẻ Redmi tại Đông Nam Á. Điều này cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của thương hiệu Trung Quốc trên thị trường khu vực.
Trong khi các thương hiệu Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, Samsung lại đối mặt với khó khăn lớn khi thị phần của hãng tại Đông Nam Á giảm xuống chỉ còn 18% trong quý 2-2024, giảm khoảng 10 điểm phần trăm so với đầu năm 2023.
Samsung vẫn giữ vị thế mạnh trong phân khúc điện thoại cao cấp có giá trên 600 USD, nhưng sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc ở phân khúc giá rẻ và tầm trung đang khiến hãng phải thay đổi chiến lược.
Để duy trì sự hiện diện của mình tại Đông Nam Á, Samsung tập trung quảng bá các tính năng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) của dòng Galaxy cao cấp. Tuy nhiên, các đối thủ Trung Quốc như Xiaomi cũng không ngồi yên khi họ cũng đang phát triển các mẫu điện thoại tích hợp AI.
Trong khi đó, dù chưa nằm trong top 5 nhà cung cấp smartphone tại Đông Nam Á nhưng Apple đang có những bước tiến đáng chú ý trong khu vực. CEO Tim Cook đã có chuyến thăm Đông Nam Á vào tháng 4-2024, gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của Indonesia, Singapore và Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường đầu tư và khẳng định tầm quan trọng của khu vực này trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Apple.
Một trong những bước đi quan trọng của Apple là mở cửa hàng đầu tiên tại Malaysia vào tháng 6-2024. Việc mở rộng mạng lưới phân phối này cho thấy Apple đang chuẩn bị cho sự phát triển tại Đông Nam Á, đặc biệt khi hãng dự kiến ra mắt dòng sản phẩm iPhone 16 vào ngày 9-9 (theo giờ địa phương).
Cạnh tranh cả về công nghệ
Không chỉ cạnh tranh trong lĩnh vực điện thoại, Trung Quốc còn đang tiến gần hơn đến vị thế của một nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu.
Theo phân tích của TechanaLye, một công ty nghiên cứu về bán dẫn tại Tokyo, Trung Quốc hiện chỉ còn kém Đài Loan ba năm về công nghệ chip tiên tiến. Điều này phản ánh hạn chế của các biện pháp kiềm chế công nghệ của Washington đối với Bắc Kinh.
Tháng 4 vừa qua, Huawei tiếp tục gây tiếng vang khi ra mắt dòng điện thoại Huawei Pura 70 Pro sở hữu con chip Kirin 9010 mới nhất sản xuất trên tiến trình 7nm do Tập đoàn Sản xuất bán dẫn quốc tế (SMIC) của Trung Quốc thực hiện.
Dù chip của SMIC có bề rộng mạch lớn hơn sản phẩm của TSMC từ Đài Loan nhưng cũng đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể của ngành công nghiệp chip Trung Quốc.
Shimizu Hiroharu, CEO của TechanaLye, cho biết: "Các biện pháp hạn chế của Mỹ chỉ làm chậm quá trình đổi mới của Trung Quốc một chút, nhưng lại thúc đẩy ngành công nghiệp chip Trung Quốc tự phát triển và tăng cường sản xuất nội địa".
Điều này có thể sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, khi các đối thủ như TSMC phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, việc Trung Quốc tăng cường mua sắm thiết bị sản xuất chip và mở rộng năng lực sản xuất đại trà có thể gây ra những ảnh hưởng sâu rộng tới toàn ngành công nghiệp.
44%
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường từ Counterpoint Research, 3/5 hãng smartphone có thị phần lớn nhất trên toàn cầu trong quý 1-2024 đều đến từ Trung Quốc: Xiaomi (chiếm 13,8% thị phần), Oppo (10,5% thị phần) và Vivo (9,1%).
Trong đó, smartphone giá rẻ (dưới 200 USD), vốn là điểm mạnh của các sản phẩm từ Trung Quốc, vẫn là phân khúc được người dùng yêu thích và lựa chọn nhiều nhất, chiếm đến 44% thị phần toàn cầu.