Chuyên mục  


Mỗi ngày trung bình có 3,5 triệu giao dịch được thực hiện trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Giá trị giao dịch ngày một lớn nhưng được thực hiện tại không gian "ảo" nên nhiều người buôn bán trên sàn thương mại điện tử có doanh thu tốt vẫn đứng ngoài nghĩa vụ thuế.

Để tránh thất thu thuế lĩnh vực này, thay vì để cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử tự giác kê khai và nộp thuế như trước, quy định mới tại Thông tư 40 sẽ chuyển trách nhiệm này sang các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo... Từ tháng 8 năm nay, từng bước theo lộ trình, các sàn thương mại điện tử sẽ phải kê khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn.

Trách nhiệm mới được chuyển giao cho các sàn thương mại điện tử nhưng họ cho rằng điều này chưa hợp lý và đề nghị cơ quan thuế xem xét bỏ quy định trên.

Giao diện ứng dụng của một sàn thương mại điện tử. Ảnh: Quỳnh Trang.

Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM) Trần Trọng Tuyến cho biết, nội dung này không được đề cập trong dự thảo Thông tư để lấy ý kiến các bên liên quan. Ông lo ngại quy định tại Thông tư chưa có tính khả thi cao và tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của sàn thương mại điện tử cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh.

Ông Tuyến lập luận, sàn thương mại điện tử không phải là đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, do không phải là đơn vị "trả thu nhập" mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người mua và người bán.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lo ngại việc khai, nộp thuế thay cho cá nhân cần đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng như xây dựng phần mềm hỗ trợ xác định doanh thu của nhà bán, phân loại doanh thu chịu thuế và thuế suất tương ứng với loại hoạt động kinh doanh, tính toán số thuế cần phải nộp... Ngoài ra, việc này còn phát sinh thêm đội ngũ nhân sự có chuyên môn về thuế để thực hiện nhiều khâu liên quan.

Các chi phí phát sinh liên quan đến các công việc kê khai, nộp thuế hộ này sẽ tạo gánh nặng tài chính, nhân sự và kỹ thuật lớn cho các sàn. Chưa kể số lượng người bán hàng trên các sàn có độ dao động rất lớn, số lượng nhà bán hàng mới hay nhà bán hàng dịch chuyển từ sàn này qua sàn khác nhiều. Điều này cũng sẽ dẫn đến khó khăn cho các sàn trong việc thực hiện các thủ tục và quản lý hoạt động kê khai, nộp thuế thay. Thực tế, quy định này chưa có tiền lệ ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á, do vậy, chưa có mô hình vận hành để tham khảo, đại diện một sàn thương mại điện tử cho biết.

Một góc giao diện bán đồ công nghệ của một ứng dụng thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Ngô.

Trước những băn khoăn trên, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục thuế) đồng ý rằng, sàn thương mại điện tử không phải là người trả tiền, nhưng lại là bên quản lý được toàn bộ doanh thu bán hàng trên sàn của cá nhân. Do đó, họ thuộc diện khai thay, nộp thay.

"Không riêng sàn thương mại điện tử, nhiều tổ chức hoạt động liên quan đến cá nhân kinh doanh đều phải khai thay, nộp thuế thay nếu cơ quan thuế nhận thấy tổ chức quản lý được doanh thu", bà Lan cho biết.

Hiện nay, cá nhân kinh doanh trên sàn phải gắn tài khoản ngân hàng với ví được mở trên sàn. Ví "ảo" này thể hiện được toàn bộ doanh thu của người bán, kể cả với hình thức thanh toán tiền mặt hay chuyển khoản. Dù không phải đơn vị chi trả nhưng toàn bộ tiền bán hàng đều phải chạy qua ví của sàn thương mại điện tử. Các sàn này sẽ định kỳ trừ phí của người bán trên nguồn tiền đó.

"Do vậy, việc cơ quan thuế yêu cầu sàn thương mại điện tử trừ thuế cùng với tiền phí là cách làm hiệu quả và không gây khó khăn cho doanh nghiệp", bà Lan nói.

Khoản thuế 1,5% trên doanh thu được các sàn thương mại điện tử tự động trừ hàng tháng hoặc hàng quý cùng với khoản phí sàn thu từ người bán. Trách nhiệm xác định tổng thu nhập của cá nhân (từ nhiều nguồn) có đạt ngưỡng chịu thuế là 100 triệu hay không, là do cơ quan thuế thực hiện và điều phối.

Cá nhân có doanh thu dưới 100 triệu đồng một năm sẽ được hoàn thuế vào cuối năm, bà Lan cho biết. Bên cạnh đó, một số đối tượng kinh doanh trên sàn sẽ không phải gánh thuế nếu thuộc các trường hợp như: nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa qua sơ chế.

Một số ứng dụng sàn thương mại điện tử phổ biến.

Ngoài việc khai thay, nộp thay thuế theo lộ trình, các sàn thương mại điện tử cũng phải cung cấp thông tin doanh thu, tài khoản ngân hàng của người bán cho cơ quan thuế.

Đại diện một số sàn thương mại điện tử lo lắng, từ nay đến khi Thông tư có hiệu lực ngày 1/8, đây là khoảng thời gian quá ngắn để các sàn có thể kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Nói với VnExpress, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh cho biết, tuy Thông tư có hiệu lực từ 1/8, nhưng cơ quan thuế chưa quyết định lộ trình chính thức và đang chờ phản hồi từ các sàn thương mại điện tử. Ngành thuế sẽ làm việc với các sàn này và cơ quan quản lý khác như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông để thống nhất lộ trình phù hợp nhất, không gây khó khăn cho các sàn.

Việc kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh có thể khiến các sàn tăng thủ tục hành chính, nhưng tăng thêm bao nhiêu và mức độ lớn hay không thì họ phải cung cấp thông tin cụ thể cho cơ quan thuế. Nếu cần nâng cấp và chi phí lớn, cơ quan thuế sẽ áp dụng lộ trình dài hơi. Nếu không, cơ quan thuế có thể áp dụng chính sách trong vài tháng tới, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế cho hay.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải có địa điểm kinh doanh cố định, đăng ký thuế tại nơi có địa điểm kinh doanh để được cấp mã số thuế. Cơ quan thuế cho rằng việc này là cần thiết để xác định thu nhập của cá nhân và sẽ có hướng dẫn Thông tư cụ thể để không xảy ra tình trạng trùng lắp trong việc thu thuế.

Quỳnh Trang

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020