Chuyên mục  


Một thực tế hiển nhiên rằng các sân bay có thể khiến trải nghiệm chuyến đi của du khách trở nên căng thẳng và đầy bực dọc. Tuy nhiên, các cảng hàng không tại châu Á đang dần thay đổi chúng từ những nơi từng là tệ hại trở thành những điểm đến hứa hẹn theo đúng nghĩa đen.

Sân bay Changi. Ảnh: Changi Airport Group. 

Thành tựu trên đạt được nhờ vào áp dụng những công nghệ tiên tiến được thiết lập tỉ mỉ, chu đáo, những không gian vô cùng hiện đại.

Công nghệ lên ngôi ở Seoul

Những hành khách đến sân bay Incheon của Seoul (đứng thứ hai trong danh sách các sân bay tốt nhất) cho Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018 vào tháng 2 năm ngoái là những người đầu tiên đi nhà ga số 2 của sân bay chỉ vừa mới được khai trương trước đó vài tuần.

Ngoài việc bổ sung thêm các khả năng cần thiết cho cửa ngõ quốc tế chính của đất nước, các nhà phát triển thiết kế cảng hàng không xoay quanh nhu cầu hành khách bằng cách tập trung nâng cao công nghệ.

Trung tâm của nhà ga là đại sảnh gồm 4 tầng. Không gian nơi đây được trang hoàng chủ yếu bởi đá granite và gỗ, thêm vào đó là các tác phẩm nghệ thuật của giới nghệ sỹ bản địa.

Cảng hàng không Quốc tế Incheon. Ảnh: Getty. 

Luôn có sẵn quân đoàn robot giúp hành khách tìm lối đi trong sân bay mà không cần phải tìm bảng thông tin hay tra bản đồ.

Những người giúp đỡ thân thiện, nhiệt tình này sẽ giúp hành khách quét vé máy bay và dẫn đến các cổng, thậm chí còn có thể trò chuyện bằng 4 thứ tiếng: Hàn Quốc, Anh, Quan Thoại, Nhật Bản.

Các robot ở Incheon không chỉ có giúp chỉ đường mà chúng còn có nhiệm vụ giữ cho nhà ga mới này được sạch sẽ và gọn gàng. Chúng ghi nhớ những chỗ bẩn nhất và làm việc đầy hiệu quả như một máy hút bụi Roomba khổng lồ.

Sân bay tốt nhất thế giới

Nói đến việc xây dựng trải nghiệm khách hàng độc đáo mang đẳng cấp hàng đầu thế giới, cảng hàng không quốc tế Changi tại Singapore chắc chắn sẽ đóng vai trò như hình mẫu chuẩn. Tháng 3/2018, Changi được bầu chọn là sân bay tốt nhất thế giới, và đó cũng là năm thứ 6 mà Changi thắng giải tại Skytrax.

“Giải thưởng càng thúc đẩy chúng tôi nâng cao chất lượng, tiếp tục cung cấp trải nghiệm tuyệt vời nhất cho tất cả những du khách đến với Changi” – ông Lee Seow Hiang, giám đốc điều hành của sân bay này chia sẻ.

Bên trong sân bay Changi. Ảnh: CNN. 

Điều gì giúp Changi nổi bật hơn các cảng hàng không đông đúc khác?

Điểm nổi trội hơn cả chính là số lượng vật tư, tiện nghi, cơ sở hạ tầng được trang bị nhằm phục vụ cho nhu cầu giải trí. Cả 4 nhà ga đầy đủ các khu mua sắm bán lẻ, ăn uống, vui chơi dành cho cả khách đến và khách khởi hành.

Nhà ga số 3 nổi tiếng với khu phức hợp thăm thú, vườn bươm bướm và một số không gian vườn tược được thiết kế theo chủ đề, hành khách trong lúc chờ đợi còn có thể đến rạp chiếu phim. Tất nhiên, không thể không nhắc đến cầu trượt cao nhất thế giới đang rất được trẻ nhỏ ưa chuộng.

Tại sảnh chờ nhà ga số 2, khi đi qua con đường uốn khúc với hàng phù điêu hoa khổng lồ, du khách sẽ được hòa mình trong ánh đèn lấp lánh, trong những chuyển động tinh tế của âm thanh thiên nhiên ở Enchanted Garden. Nếu những thứ trên gây cảm giác choáng ngợp, du khách sẽ dễ dàng tìm lại không khí trong lành, dịu nhẹ, tĩnh lặng nơi vườn phong lan và vườn hướng dương trước giờ cất cánh.

Nhà ga số 4, được khai trương năm 2017, cung cấp những dịch vụ công nghệ mới nhất.

Không gian xanh ở sân bay Changi. Ảnh: CNN.

Hành khách có thể check-in tại ki-ốt và in các thẻ hành lý của họ bằng máy nhờ vào hệ thống nhận dạng khuôn mặt, mà không cần phải qua khâu kiểm tra thủ công. Các bước di chuyển qua cổng khởi hành nay đã tinh gọn hơn với việc gộp thủ tục kiểm tra hộ chiếu và soát vé vào làm một. Tại khâu kiểm tra an ninh cuối cùng, du khách không nhất thiết phải tách riêng thiết bị điện tử vì đã có máy quét CT.

Vậy tiếp theo là gì? Trong năm nay, Changi sẽ mở thêm nhà ga Jewel, nơi mà theo như CNN mô tả, làm lu mơ dần ranh giới giữa thực tại và huyền ảo. Trung tâm của nó sẽ là thác nước và rừng nhiệt đới trong nhà. Cấu trúc mang hình dáng của một chiếc donut 10 tầng sẽ được trang hoàng với đầy những trải nghiệm ăn uống và mua sắm. Nó sẽ được kết nối đến toàn bộ các nhà ga nhằm phục vụ các hành khách cũng như những người tò mò đến thăm thú.

Nhật Bản: Sạch sẽ và tập trung vào khách hàng

Ngành hàng không Nhật Bản từ lâu đã được định hướng bằng những lối suy nghĩ cấp tiến. Khi các đô thị phát triển, ngành hàng không chuyển sang phát triển các sân bay ngoài khơi.

Điển hình là sân bay quốc tế Kansai của tỉnh Osaka, khai trương vào năm 1994 trên một hòn đảo nhân tạo thuộc vịnh Osaka. Nó được xây dựng nhằm giảm tải tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Xứ sở mặt trời mọc cũng tiên phong trong việc kết hợp đường sắt cao tốc cũng như các phương tiện giao thông vận tải khác vào sân bay để thuận tiện cho việc lưu thông liên tục toàn quốc.

Sân bay Haneda. Ảnh: Getty. 

Giờ đây, nước Nhật lại đang tập trung vào phương diện trải nghiệm hành khách.

Đứng thứ ba trong cuộc bầu chọn Skytrax 2018, cảng hàng không Haneda gần Tokyo được xem như đỉnh cao trong phong cách thiết kế rành mạch và đầy hiệu quả. Haneda còn được đánh giá cao bởi sự sạch sẽ, thoải mái, thêm vào đó là tính thân thiện, nhiệt tình, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh của các nhân viên nơi đây. Giống như các sân bay khác trong khu vực, sân bay này cũng đang phát triển các công nghệ robot, bao gồm cả việc sử dụng xe lăn tự động nhằm hỗ trợ cho các hành khách khuyết tật hay gặp chấn thương.

Xa hơn về phía nam, tồn tại một sân bay trên đảo nổi tiếng khác là Chubu Centrair, gần Nagoya. Thành lập vào năm 2005, cảng hàng không này không chỉ nổi tiếng với con đường mua sắm ngay bên trong mình, mà còn với những bể bơi và spa phục vụ hành khách.

Bắc Kinh: Mô hình cho các sân bay tương lai

Số hành khách đến với khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự toán lên con số 1,8 tỷ lượt trong 20 năm tới. Các sân bay trong khu vực đã sẵn sàng để “chìm đắm” trong “biển người” này.

Trung Quốc đang lên kế hoạch xây thêm 136 sân bay mới cho đến năm 2025, như một sự trỗi dậy của con quái vật hàng không.

Sân bay quốc tế Đại Hưng dự định sẽ thay thế sân bay Bắc Kinh khi nó khánh thành trong năm 2019. Với quy mô của dự án, công suất sân bay này dự kiến đạt mức 100 triệu lượt khách mỗi năm.

Mô hình sân bay Đại Hưng ở Bắc Kinh. Ảnh: Zaha Hadid Architects

Bên trong cảng hàng không có lối đi bộ với khoảng cách ngắn đến các cửa, trong khi các khu vườn và khung trần cao sẽ tạo điểm nhấn về không gian.

Nhưng hành khách sẽ di chuyển như thế nào trên chặng đường tầm 67 km giữa thành phố và sân bay? Chuyến tàu liên tỉnh là câu trả lời.

Nó được thiết lập để đưa hành khách đi với vận tốc 350 km/h, giúp nhẹ nhàng công việc hơn đồng thời tiết kiệm lượng thời gian đáng kể. Đối chiếu điều đó với những lựa chọn phương tiện giao thông công cộng tệ hại ở các sân bay khác sẽ dễ dàng hiểu vì sao vấn đề của Bắc Kinh đã được đảm bảo ngay trước khi sân bay mới được mở.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020