Chuyên mục  


Còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết, anh Minh Đức (23 tuổi, quận 7, TP.HCM) bắt đầu tìm mua tờ 2 USD, tờ tiền được quan niệm đem lại may mắn, để lì xì cho bạn bè, người thân. Khi tìm kiếm các địa chỉ để mua tờ 2 USD, anh Đức lại nhận thêm lời chào mời mua các tờ tiền có in hình con heo, con giáp của năm 2019.

350.000 đồng cho 1 tờ 2 USD in hình con heo

Thử tìm kiếm từ khóa "tiền 2 USD Tết" hay "tiền lì xì Tết" trên Google, các kết quả trả về đầu tiên đều là tiền 2 USD in hình con heo nói riêng và tiền có hình heo nói chung. 

Theo nhân viên một cửa hàng kinh doanh tiền lưu niệm tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, các loại tiền in hình con heo hút khách dịp trước Tết có hai loại là tiền có giá trị lưu thông trong thực tế và tiền chỉ để kỷ niệm. 

Trong số các loại tiền đặc biệt được săn lùng, tờ 2 USD in hình con heo là một trong những sản phẩm nổi bật nhất. Các cửa hàng trên quảng cáo đây là tờ tiền do Bộ Tài chính Mỹ phát hành nhằm phục vụ nhu cầu lì xì Tết âm lịch của người châu Á.

Giá của 1 tờ 2 USD có in hình heo vàng dao động từ 300.000 - 350.000 đồng. Với những tờ có số seri đẹp, giá có thể lên tới 900.000 đồng. Các cửa hàng đoan chắc đây đều là tiền thật, có kèm giấy chứng nhận, nhưng vì đã in hình lên nên không thể sử dụng trong thực tế.

Tuy nhiên, khi tìm kiếm trên Internet, hiện không có thông tin nào về việc Chính phủ Mỹ phát hành những tờ tiền 2 USD đặc biệt này. Bên cạnh đó, trên các website Amazon, Ebay cũng đang rao bán những tờ 2 USD có in hình con heo nhưng mẫu mã hoàn toàn khác cùng với giá khoảng 14 USD.

Có thể thấy đây đơn thuần là những tờ 2 USD bình thường được một số công ty in thêm hình con heo nhằm phục vụ nhu cầu sở hữu quà tặng đặc biệt đem lại may mắn trong dịp Tết âm lịch.

Tờ 2 USD in hình con heo bán tại Việt Nam (trên cùng) khác biệt so với 2 mẫu bán trên Amazon.

Bên cạnh tờ 2 USD in hình con heo cho Tết Kỷ Hợi, các cửa hàng cũng kinh doanh tờ 2 USD thông thường với giá bán dao động từ 50.000 đến 60.000 đồng. 

Ngoài tờ 2 USD, nhiều cửa hàng chuẩn bị các tờ tiền giấy lẫn tiền xu khác có hình con heo để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Các đồng tiền của Australia, Macau, Papua New Guinea, Mỹ, Đài Loan được chào bán với mức giá đa dạng từ 20.000 đến 200.000 đồng.

Ngoài những tờ tiền lưu niệm không có giá trị thanh toán, các cửa hàng cũng giới thiệu một số loại tiền có thể lưu thông trong thực tế như tờ 20 Kina của Papua New Guinea. Riêng tờ 10 Pataca của Macau được nhiều nơi sưu tầm cả hai loại: tiền do ngân hàng Macau phát hành và tiền lưu niệm do các công ty Trung Quốc tự in ấn.

Bên cạnh tiền in hình con heo, những đơn vị kinh doanh tiền lưu niệm cũng có sẵn nhiều loại tiền khác đáp ứng tâm lý mong muốn may mắn trong dịp năm mới của khách hàng như bộ tờ tiền "thuận buồm xuôi gió" có hình thuyền buồm, tiền có hình Phật, hình Long Phụng, tiền mệnh giá hàng tỷ đồng siêu lạm phát của Zimbabwe.

Tờ 100 Pataca Macau chỉ để lưu niệm và tờ 20 Kina của Papua New Guinea được giới thiệu là tiền có giá trị lưu thông. Ảnh: Việt Đức.

Mua bán tràn lan có hợp pháp hay không?

Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), việc mua bán tờ 2 USD hay các tờ tiền quốc tế in hình con heo có giá trị lưu thông thực tế phải tuân thủ đúng quy định pháp luật.

"Dù mua bán chỉ 1 USD thì đó vẫn là hoạt động trao đổi ngoại tệ và phải chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh ngoại hối và các quy định khác có liên quan", luật sư Hà Hải nhấn mạnh. 

Theo các quy định pháp luật hiện hành, việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân phải được thực hiện tại các địa điểm được phép mua, bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép.

Hiện tại, ngoài các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh ngoại tệ, vẫn có một số địa điểm cũng được cấp phép mà đặc điểm dễ nhận ra nhất là phải có bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền. 

Lý do là các cơ sở này chỉ là đơn vị được tổ chức tín dụng, ngân hàng ủy quyền để trở thành đại lý mua, bán ngoại tệ và tỷ giá tại đây cũng phải công khai tuân thủ theo tổ chức tín dụng ủy quyền.

Nghị định 96/2014 của Chính phủ hiện quy định xử phạt 80-100 triệu đồng với người có hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được cấp giấy phép kinh doanh; phạt 40-80 triệu đồng với hành vi mua, bán ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau hay quy đổi không đúng tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Tuy nhiên, theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2014 mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, mức phạt với việc mua, bán ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau hoặc mua, bán ngoại tệ với tổ chức không được cấp phép thu đổi ngoại tệ sẽ thay đổi thành phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. 

Còn với những tờ tiền lưu niệm không có giá trị thanh toán thực tế, luật sư Hải cho biết chúng không phải là ngoại tệ. Tuy nhiên, đây cũng là một loại hàng hóa nên các cơ sở kinh doanh phải chứng tỏ được nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ mua bán, nhập khẩu. 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020