Nguồn nhiệt điện than theo dự thảo mới sẽ được tăng thêm hơn 3.070 MW trong giai đoạn 2030 so với tờ trình trước.
Tại tọa đàm "Quy hoạch điện 8 - Mở đường hay thắt lại chuyển dịch xanh" diễn ra chiều nay (16/9), một số ý kiến đề cập nỗi lo giá than tăng mạnh sẽ tạo áp lực lên giá điện.
Trong khi đó, nguồn nhiệt điện than, theo dự thảo mới, sẽ được tăng thêm hơn 3.070 MW trong giai đoạn 2030 so với tờ trình trước. Còn điện gió sẽ bị "gác" lại 4.190 MW giai đoạn 2030.
Ông Nguyễn Quang Huân - đại biểu Quốc hội - cho rằng quy hoạch điện 8 có điểm tích cực là cố gắng sửa chữa những cái chưa tốt ở quy hoạch 7 với những cải thiện đáng kể. Duy chỉ có điều khiến ông Huân lăn tăn đó là tỷ trọng điện than tăng lên so với tờ trình hồi tháng 3. Vị này lo ngại nhiệt điện than sẽ gặp nhiều hạn chế về khả năng tiếp cận nguồn tài chính. Giá than tăng mạnh cũng sẽ gây rủi ro trong tương lai, ông Huân nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Đức Tuyên - Viện Điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội - nhiệt điện tăng lên bởi có những yếu tố về sự định hướng trong vận hành, đảm bảo an ninh năng lượng.
Vấn đề được ông Tuyên nêu ra là chúng ta ưu tiên hệ thống bền vững, an toàn với nguồn năng lượng truyền thống hay thay đổi với sự hiện đại. Theo quan điểm của vị này, nếu được, hãy dũng cảm theo đuổi bước đi của các nước tiên tiến trên thế giới với năng lượng sạch.
Với nhiệt điện than, ông cho rằng có thể sẽ an toàn hơn về hệ thống vận hành, rủi ro gần nhưng rất ít. Song những vấn đề như nhập khẩu than tương lai, biến động giá cả cũng khó đoán là điểm cần được cân nhắc.
Góp ý kiến tại tọa đàm, ông Lê Anh Tuấn - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - lại thẳng thắn cho rằng dự thảo quy hoạch điện 8 phần nào "thắt lại" lộ trình xanh khi giảm các nguồn năng lượng tái tạo, tăng nhiệt điện than so với dự thảo trước. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu.
Khi tính toán cân nhắc, ông Tuấn cho rằng cần phải đánh giá trên bình diện rộng hơn, trong đó bao gồm chi phí phải trả cho sự thay đổi, không được bỏ qua những chi phí về môi trường, chi phí về xã hội…
Bà Ngụy Thị Khanh - Chủ tịch Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) - cũng cho rằng, từ xưa đến nay, chúng ta vẫn nghĩ điện than là giá rẻ. Tuy nhiên, sự biến động của giá than trong thời gian qua cảnh báo rủi ro rất lớn về hệ lụy kinh tế nếu tiếp tục phát triển điện than.
Bà Khanh cho biết, giá than trong thực tế đã cao hơn cả so với dự báo năm 2045 đưa ra tại dự thảo. Nếu tỷ trọng điện than tiếp tục tăng nữa mà giá than cứ "leo" lên theo xu hướng hiện nay thì tạo áp lực rất lớn.
"Khi sản lượng điện than chiếm gần 50% tổng sản lượng hệ thống điện, với xu thế biến động tăng giá như vừa qua sẽ tạo nên áp lực lớn đối với ngành điện và làm tăng giá điện", bà Khanh lo ngại.
Trước đó, Bộ Công Thương đưa ra bản dự thảo quy hoạch điện 8 để lấy ý kiến sau khi đã thực hiện rà soát lại theo yêu cầu tại kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, một số nội dung thay đổi tại bản dự thảo mới nhất này so với Tờ trình 1682 mà Bộ này trình Chính phủ hồi tháng 3 năm nay đã nhận được những ý kiến trái chiều.
Cụ thể, tại phương án phát triển nguồn điện sau khi rà soát, nhiệt điện than dự kiến đến năm 2030 công suất đặt vào khoảng 40.649 MW, tăng hơn 3.070 MW so với tờ trình trước.
Đến giai đoạn năm 2045, nhiệt điện than dự kiến đạt 50.699 MW, trước khi rà soát Bộ Công Thương đưa ra con số là 50.168 MW.
Trong khi đó, năng lượng điện gió chỉ còn 11.820 MW, giảm 4.190 MW; riêng điện gió ngoài khơi giảm 2.000 MW, tức là về 0 trong tờ trình điều chỉnh.
Riêng điện mặt trời giai đoạn đến năm 2030 thì giữ nguyên với mức 18.640 MW song đến giai đoạn 2045 sẽ giảm từ 55.090 MW xuống còn 51.540 MW.
Việc thay đổi này khiến không ít doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo "đứng ngồi không yên".
Nguyễn Mạnh