Hình ảnh được đăng trên mạng xã hội ngày 4/12 cho thấy một xe ăng-ten thuộc hệ thống radar Podlet-K1, còn gọi là 48Ya6-K1, nằm trong số khí tài bị phiến quân Syria thu giữ gần đây. Chưa rõ thời điểm bức ảnh được chụp, cũng như hệ thống radar này là của quân đội Syria hay Nga.
Chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định xe ăng-ten có thể bị thu giữ gần thành phố Hama, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền tây Syria. Trên góc trái ảnh có biểu tượng của Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm phiến quân dẫn đầu đợt tấn công bất ngờ nhằm vào các vị trí quân đội chính phủ Syria hồi tuần trước.
Một tổ hợp radar Podlet-K1 hoàn chỉnh có giá ước tính khoảng 5 triệu USD, gồm xe ăng-ten, xe chỉ huy và xe chở máy phát điện. Chưa rõ phiến quân Syria có thu được các phương tiện còn lại trong tổ hợp hay không.
Đài radar thuộc hệ thống Podlet-K1 do Nga chế tạo bị phiến quân Syria tịch thu trong ảnh công bố ngày 4/12. Ảnh: HTS
"Một số nguồn tin cho biết đài Podlet-K1 bị phiến quân tịch thu là của Sư đoàn Đặc nhiệm số 25 Syria. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng đây là hệ thống mà Nga vận hành cùng đơn vị Syria", cây bút Thomas Newdick của War Zone cho hay.
Quân đội Syria và Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Tập đoàn Almaz-Antey của Nga, hãng chế tạo Podlet-K1, cho biết radar được tối ưu để phát hiện mục tiêu bay thấp và rất thấp. Đài radar ứng dụng công nghệ mảng pha, hoạt động ở dải tần 2-4 GHz và có thể theo dõi cùng lúc 20 mục tiêu. Ngoài ra, đài radar còn có ăng-ten thu phát tín hiệu nhận diện địch - ta.
Nga phát triển radar Podlet-K1 từ năm 2009, thử nghiệm một năm sau đó và biên chế hệ thống đầu tiên vào năm 2015. Radar Podlet-K1 làm nhiệm vụ cảnh giới, phát hiện mục tiêu bay thấp, hỗ trợ cho các radar của tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU-2 và S-400.
Tầm phát hiện của Podlet-K1 là khoảng 200-300 km, tùy thuộc điều kiện thực tế và loại mục tiêu.
Tổ hợp Podlet-K1 hoàn chỉnh của Nga trong cuộc diễn tập năm 2018. Ảnh: BQP Nga
Phiến quân Syria đã thu được một số hệ thống phòng không của Syria do Nga chế tạo, trong đó có tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1, kể từ khi phát động chiến dịch tấn công bất ngờ hồi tuần trước. Tuy nhiên, Podlet-K1 được đánh giá là một trong những khí tài đáng chú ý nhất.
"Các cơ quan tình báo phương Tây sẽ rất quan tâm đến Podlet-K1, do đài radar này có thể hé lộ những thông tin chi tiết về một trong những tổ hợp radar phòng không hiện đại của Nga", Newdick nhận định.
Nắm được khả năng phát hiện mục tiêu bay thấp, trong đó có máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình, sẽ giúp các bên đối đầu với Nga xây dựng biện pháp đối phó phù hợp. Phương Tây cũng có thể phát triển các biện pháp giảm năng lực của radar và xây dựng chiến thuật khai thác điểm yếu trên chiến trường.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng phương Tây khó có khả năng thu được tổ hợp Podlet-K1 nguyên vẹn từ Syria, do tình hình tại đây rất hỗn loạn. "Đài radar có thể không còn nằm trong tay phiến quân hoặc đã bị quân đội Nga ném bom phá hủy để ngăn rò rỉ thông tin nhạy cảm", Newdick cho hay.
Vị trí một số thành phố tại Syria. Đồ họa: AP
Phiến quân Hay'et Tahrir al-Sham (HTS), tiền thân là Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của al-Qaeda tại Syria, cùng các nhóm đồng minh ngày 29/11 mở chiến dịch tấn công Aleppo, thành phố lớn thứ hai nước này, và chiếm được nhiều khu vực lân cận.
Các nỗ lực đảo ngược tình thế của quân đội Syria cùng sự yểm trợ của không quân Nga đã bắt đầu đạt tiến triển. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh cho biết quân chính phủ tại Hama được tăng viện và tổ chức phản công, đẩy lùi phiến quân ra xa cửa ngõ thành phố khoảng 10 km, giành lại kiểm soát một khu vực ở ngoại ô.
HTS và các nhóm đồng minh từng kiểm soát Aleppo và nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc Syria, trước khi Nga năm 2015 điều lực lượng tới hỗ trợ đối phó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Assad.
Với sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Syria đã đánh bại IS và đẩy lùi các nhóm phiến quân tới khu vực ở miền bắc nước này, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ năm 2016, HTS và đồng minh không còn các hoạt động quân sự đáng kể ở Syria. Nga sau đó rút bớt lực lượng khỏi Syria, chỉ duy trì một số đơn vị tại căn cứ Latakia ở miền tây nước này.
Nguyễn Tiến (Theo TWZ, AP, AFP)