Chuyên mục  


gao-1733880763267155216471.jpg

Người dân chọn mua gạo ở một siêu thị tại TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Đó là ý kiến của một số đại biểu tại hội thảo "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt", do báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày 10-12.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, muốn xây dựng thành công thương hiệu gạo quốc gia, không chỉ chọn giống lúa mà phải có quy trình cả chuỗi từ khâu giống tới đồng ruộng, sản xuất và chế biến...

Nên bắt đầu từ ST25

ho-quang-cua-5-1733821054977520429425.jpg

Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của gạo ST25, cho rằng những quốc gia xây dựng thương hiệu thành công nhất thế giới là Ấn Độ và Thái Lan đều tập trung cho một giống, trong đó Ấn Độ có giống Basmati và Thái Lan có Hom Mali. Sau khi tập trung cho một giống, các quốc gia này luôn luôn có tiêu chuẩn độ thuần. Do đó Việt Nam cũng phải tuân theo luật chơi của quốc tế chứ không thể làm khác.

Cũng theo ông Cua, độ thơm là tinh túy của gạo và các nước đều chọn độ thơm làm thương hiệu. Bước kế tiếp luôn luôn là độ thuần, còn tiêu chí về gạo trắng, độ ẩm... là bình thường. Do thâm canh, Việt Nam bị xâm nhiễm hóa chất quá nhiều nên trong xây dựng thương hiệu, ngoài tiêu chuẩn độ thuần, cần hạn chế hóa chất để gạo có hương vị tự nhiên. Tránh lúa chín thời điểm mưa dầm hoặc nắng quá gắt sẽ giữ được độ thơm.

ong-thai-binh-1733819450928823281609.jpg

Ông Phạm Thái Bình - chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng nếu nói Việt Nam chưa thành công trong việc xây dựng thương hiệu gạo không hẳn đúng.

Trong thực tế, Philippines nhập khẩu gạo của Việt Nam rất nhiều, ngay cả khi Ấn Độ mở cửa cho xuất khẩu gạo trở lại với giá gạo rất rẻ. Điều này cho thấy thị trường này có lòng tin vào gạo Việt Nam. Theo ông Bình, xây dựng thương hiệu gạo thành công là xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng.

"Chúng ta lấy giống lúa nào để có đặc trưng của quốc gia. Như Ấn Độ có Basmati, Thái Lan có Hom Mali, Nhật Bản có Japonica, Việt Nam của chúng ta tại sao ST25 vang lừng trên thế giới, dù sản lượng xuất khẩu chưa nhiều, nhưng có thể lấy xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. 

Khi chúng ta có gạo ngon nhất thế giới là thương hiệu quốc gia, các loại gạo khác cũng được hưởng lợi theo. Do đó theo tôi, Việt Nam nên lấy gạo ST25 làm giống lúa tiêu biểu của Việt Nam", ông đề xuất.

Ngoài ra ông Bình cũng lưu ý xây dựng thương hiệu nên từ đồng ruộng tới bàn ăn, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó xây dựng thương hiệu gạo phải xây dựng cả chuỗi từ khâu giống tới đồng ruộng, sản xuất và chế biến. "Chúng ta xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng, sẽ thành công trong việc xây dựng thương hiệu", ông Bình nói.

Kiểm soát từ giống, quy trình sản xuất...

ong-tung-2-173382392734226657354.jpg

Ông Lê Thanh Tùng - phó chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Lê Thanh Tùng, nguyên phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng xây dựng thương hiệu gạo phải từ doanh nghiệp chứ không phải đi từ quốc gia. "Xây dựng thương hiệu gạo từ quốc gia đều thất bại. Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ làm hẹp đi sự sáng tạo của các doanh nghiệp", ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, gạo cũng giống các mặt hàng khác. Người ta đánh giá thương hiệu từ mức độ an toàn, độ đồng đều, về thời gian, giá cả phù hợp, về thân thiện thị trường, cách tiếp cận chuỗi thị trường... Không ai làm được chuyện này ngoài doanh nghiệp và đã có nhiều doanh nghiệp đã làm được. Những cái này mà làm thành khối sẽ thành thương hiệu quốc gia.

Cũng theo ông Tùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đề án 1 triệu ha gạo chất lượng cao, phát thải thấp cũng là cách để theo định hướng đó xây dựng thương hiệu gạo. Từ quy trình canh tác, từ giống, từ ý thức tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật các quốc gia, doanh nghiệp hình thành nên thương hiệu, Nhà nước sẽ "hà hơi" để ổn định thị trường nhiều hơn.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức xây dựng nhãn mác, chỉ dấu của gạo Việt Nam xanh, phát thải thấp, đó cũng là cách đóng góp thương hiệu gạo Việt Nam", ông Tùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bảy, phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng Việt Nam có nhiều loại gạo và bày tỏ băn khoăn "Phải chăng chúng ta phải lựa chọn cái gì đó đặc biệt để xây dựng thương hiệu?".

Theo ông Bảy, khi Nhà nước xây dựng nhãn hiệu và chứng nhận dùng nhãn hiệu đó để quảng bá, nâng giá trị sản phẩm của Việt Nam, ai dùng nhãn hiệu đó đều hưởng lợi và khi hưởng lợi sẽ phải trả phí. Chủ sở hữu sẽ phối hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý người không đủ điều kiện vẫn dùng nhãn hiệu này.

"Chẳng hạn ở ngoài Bắc có cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình nhưng giá bán cao lắm, một khi người ta bảo vệ được, mỗi một tem phải trả năm ba đồng, 10 đồng là rất bình thường", ông Bảy nói và cho rằng phải bảo trì, duy trì giống bởi giống có thương hiệu quốc gia nhưng không có chính sách duy trì giống, để giống thoái hóa cũng không được.

Sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc

base64-17338826915351524054765.jpeg

Bà Phoebe Ricarte - chuyên gia Philippines - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Phoebe Ricarte, chuyên gia Philippines, cho biết khi phỏng vấn người tiêu dùng tại nhiều thị trường, hầu hết người được phỏng đều cho biết sẵn sàng trả cao hơn giá trung bình nếu có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt qua mã QR trên bao bì.

"Cần tìm hiểu nhu cầu thị trường để có chiến lược định hướng trong xây dựng thương hiệu của mình. Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm cho sản phẩm mang tính bền vững và tốt cho sức khỏe như sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường. Đây là vấn đề cần lưu ý trong xây dựng thương hiệu", bà Phoebe Ricarte góp ý.

Ông Lê Thanh Hòa (phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):

ong-le-thanh-hoa-1733815408238289833671.jpg

Ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường - trình bày tham luận Tình hình xây dựng và phát triển thương hiệu lúa gạo Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sẽ có hỗ trợ cho xây dựng thương hiệu gạo

Qua hội thảo, bước đầu đã hình dung ra được khó khăn, thách thức trong tiến trình xây dựng thương hiệu quốc gia cho hạt gạo Việt Nam. Bộ NN&PTNT đã xây dựng một số thương hiệu nông sản và giao cho các hiệp hội ngành hàng, đưa các nhãn hiệu vào sử dụng.

Đối với thương hiệu gạo, thời gian tới bộ tiếp tục nghiên cứu đưa thương hiệu vào sử dụng. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng nghị định, có quy định cụ thể về nội dung hỗ trợ xây dựng thương hiệu cũng như kêu gọi sự tự chủ của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu trong thời gian tới.

Ông Vương Quốc Nam (phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng):

Gạo ngon và thân thiện với môi trường

vuong-quoc-nam-17338145717631779099343.jpg

Ông Vương Quốc Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng lớn đối với ngành hàng lúa gạo và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nhiều nước trong khu vực có lợi thế về lúa gạo cũng đang dần mở cửa trở lại sau một thời gian hạn chế xuất khẩu.

Thị hiếu người tiêu dùng một số thị trường truyền thống cũng có sự thay đổi đáng kể, không chỉ quan tâm đến sản phẩm gạo ngon, nhiều dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe mà còn yêu cầu sản xuất ra hạt gạo thân thiện với môi trường. Điều đó cho thấy ngành hàng lúa gạo của chúng ta đang đứng trước những cơ hội nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức rất lớn.

Ông Koji Takeuchi (giám đốc điều hành Công ty TNHH trang trại Yamabun Farm từ Nhật Bản):

Tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất

base64-17338826732291976178366.jpeg

Ông Koji Takeuchi - giám đốc điều hành trang trại Yamabun (Nhật Bản) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong quá trình xây dựng và thương mại hóa thương hiệu gạo đặc sản Tsuyahime, chúng tôi đã luôn giải quyết rất nhiều câu hỏi như chọn lọc giống lúa, hương vị, khẩu vị của khách hàng, giá cả và mẫu mã bao bì... Tsuyahime có ý nghĩa là nàng công chúa bóng bẩy.

Nó cũng mô tả độ bóng ngon của hạt gạo khi nấu chín. Do đó tôi chọn Tsuyahime của quê nhà làm thương hiệu cho loại gạo đặc sản của mình. Tỉnh Yamagata đã ban hành bốn tiêu chuẩn sản xuất loại gạo Tsuyahime, gồm diện tích, tiêu chuẩn trồng trọt, nhà sản xuất phải được cấp chứng nhận và phải đảm bảo chất lượng mới được lưu hành trên thị trường...

Tại Nhật Bản, sản xuất gạo ngon đặc trưng là tiền đề lớn. Chính phủ và công ty xây dựng phải tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất, cũng như hướng dẫn kỹ thuật để duy trì và nâng cao danh tiếng gạo. Sản phẩm được giới thiệu rộng để trở thành thương hiệu hàng đầu trong phân khúc giá, quan tâm các biện pháp đối phó với hàng giả và ghi nhận phản hồi của khách hàng.

Ông Vũ Ngọc Đỉnh (tổng giám đốc Techpal Group):

ong-dinh-1733826060356703474175.jpg

Ông Vũ Ngọc Đỉnh - tổng giám đốc Techpal Group - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần đặt chất lượng lên hàng đầu

Để xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt, theo tôi, đầu tiên là phải thay đổi tư duy, cần theo chất lượng và giá trị thu về chứ không chạy theo sản lượng. Cũng cần thay đổi hoàn toàn các tiêu chí để đánh giá chất lượng sản xuất lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung. Muốn xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, cả quốc gia phải đặt chất lượng và hướng giá trị lên hàng đầu.

Ngoài ra, muốn xây dựng thương hiệu gạo quốc gia không thể thiếu công tác tuyên truyền. Các bộ ngành lựa chọn các sản phẩm gạo tiêu biểu để tổ chức giới thiệu trong các triển lãm sự kiện quốc tế cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, Chính phủ, các bộ ngành, các tỉnh lựa chọn các sản phẩm gạo Việt tiêu biểu sử dụng trong các sự kiện yến tiệc trong nước và quốc tế, từ đó để thế giới biết đến và trân trọng sản phẩm.

Điểm cuối cùng là có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thành phẩm có chất lượng tốt ra thế giới với nguồn gốc sản xuất từ Việt Nam - MADE IN VIET NAM. Ví dụ trên sản phẩm của chúng tôi đều có dòng MADE IN VIET NAM rất to phía trên của sản phẩm dù chúng tôi chưa biết đó có lợi hay không lợi cho sản phẩm.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020