Chuyên mục  


"Hãy tiến hành cuộc đấu tay đôi về công nghệ trong thế kỷ 21. Mỹ và đồng minh chọn mục tiêu ở Kiev, sau đó tập trung toàn bộ lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa ở đó. Nga sẽ phóng tên lửa Oreshnik nhằm vào mục tiêu này, còn họ tìm cách đánh chặn nó. Chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc đấu như vậy", Tổng thống Vladimir Putin nói tại cuộc họp báo thường niên hôm nay.

Ông chủ Điện Kremlin cho biết đây là cuộc thử nghiệm nhằm hóa giải những hoài nghi về tên lửa Oreshnik của nhiều chuyên gia phương Tây, những người "được Mỹ và đồng minh thuê" để phân tích dữ liệu. "Không có cách nào dễ dàng để đánh chặn Oreshnik. Toàn bộ đầu đạn có thể được phóng ra chỉ trong vài giây", ông cho hay.

ong-putin-noi-ve-ten-lua-oreshnik-1734603617.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Zu6JIw4bPQl9wei9c8iX2g
Ông Putin nói về tên lửa Oreshnik

Ông Putin nói về "đấu tay đôi" công nghệ với phương Tây. Video: Sputnik

Tổng thống Nga đề cập Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, nói rằng nó có tính năng vượt trội so với mẫu Patriot đang triển khai ở Ukraine.

THAAD là một trong những lá chắn phòng thủ tên lửa hiện đại nhất trong biên chế quân đội Mỹ hiện nay. Đây cũng là hệ thống phòng không duy nhất của Mỹ có khả năng chặn tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn đến tầm xa ở giai đoạn cuối, khi chúng đang lao xuống mục tiêu, ở cả trong và ngoài khí quyển.

"Hãy để họ triển khai THAAD ở Ukraine, chúng tôi sẽ hỏi người của mình tại đó. Tôi không nói với nghĩa mỉa mai, Nga có rất người để trao đổi tại Ukraine. Họ có thể cung cấp thông tin về những giải pháp hiện đại, có giá trị với chúng ta", ông cho hay.

Ông Putin dường như đề cập thông tin được hãng Interfax-Ukraine đăng cuối tháng 11, trong đó cho biết Kiev đang tìm cách sở hữu hệ thống THAAD hoặc hối thúc Washington nâng cấp các tổ hợp Patriot trong biên chế hiện nay. Dù vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ diễn ra trong tương lai gần.

Tổng thống Nga nói Oreshnik là "vũ khí tiên tiến và rất mới", khẳng định nó được phát triển mới hoàn toàn và không sử dụng công nghệ cũ.

"Các nhà khoa học, nhà thiết kế và kỹ sư đã phát triển tên lửa và phối hợp với khách hàng của họ là Bộ Quốc phòng Nga. Tôi cũng tham gia vào quá trình quyết định có sản xuất tên lửa hay không, với số lượng bao nhiêu và thời gian biểu như thế nào. Tuy nhiên, thành thực mà nói, tôi không biết vì sao nó được đặt tên là Oreshnik", ông nói.

Tổng thống Putin tại cuộc họp báo thường niên ở Moskva ngày 19/12. Ảnh: Reuters

Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik được Nga lần đầu sử dụng trong cuộc tập kích thành phố miền trung Dnipro, Ukraine hôm 21/11. Động thái nhằm đáp trả Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

Oreshnik đạt tốc độ gấp hơn 10 lần âm thanh, tương đương gần 11.000 km/h. Ngoài tốc độ cao, tên lửa Oreshnik còn có khả năng mang nhiều đầu đạn ứng dụng công nghệ phương tiện hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV), với số lượng có thể lên tới 36 đầu đạn.

Bên phòng thủ sẽ phải huy động lượng lớn tên lửa để bắn hạ toàn bộ đầu đạn trên mỗi quả Oreshnik, nhất là khi cần hai đạn cho mỗi mục tiêu để bảo đảm khả năng đánh chặn. "Số lượng đầu đạn và tốc độ như vậy khiến nỗ lực đối phó trở nên khó khăn, thậm chí là vô phương ngăn chặn", Tom Karako, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nêu quan điểm.

Như Tâm (Theo RIA Novosti, TASS, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020