Chuyên mục  


Trong hầu hết các cuộc biểu tình trước đây ở Hàn Quốc, người dân tham gia thường giăng những biểu ngữ phản ánh các vấn đề xã hội, chính trị. Nhưng những cuộc biểu tình gần đây không giống bất kỳ điều gì mà nước này từng chứng kiến trong lịch sử.

Kể từ khi Tổng thống Yoon Suk-yeol ban bố thiết quân luật rồi nhanh chóng rút lệnh hồi đầu tháng, đường phố Hàn Quốc tràn ngập đám đông hát hò, nhún nhảy trong tiết trời lạnh giá. Họ chế lời những bài hát nổi tiếng thành các câu từ phản đối Tổng thống, mang theo lightstick (que phát sáng) của các ca sĩ, nhóm nhạc K-pop.

"Luận tội! Luận tội! Luận tội ông Yoon!", những người biểu tình hô theo nhịp điệu ca khúc Whiplash của nhóm nhạc nữ aespa trong cuộc biểu tình gần tòa nhà quốc hội tối 10/12.

nguoi-han-quoc-bieu-tinh-nhu-mo-hoi-1734584085.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Q23WmzZeX2OrpU6qDJm7iQ
Người Hàn Quốc biểu tình như mở hội

Người Hàn hô hào khẩu hiệu luận tội tổng thống trên nền nhạc K-pop. Video: KBS

Phe đối lập đã thúc đẩy nỗ lực luận tội vài ngày sau đêm thiết quân luật nhưng không được thông qua do không giành đủ phiếu bầu tại quốc hội. Các cuộc biểu tình liên tục được tổ chức để phản đối kết quả này.

Thay đổi đến vào ngày 14/12, khi một số nghị sĩ đảng cầm quyền đã đổi ý, giúp kiến nghị luận tội ông Yoon được thông qua. Ông Yoon bị đình chỉ chức vụ và Thủ tướng đảm nhiệm vai trò quyền tổng thống. Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ quyết định số phận ông Yoon trong 180 ngày. Nếu cơ quan này ủng hộ kiến nghị luận tội, ông Yoon sẽ bị phế truất. Các cuộc biểu tình hiện tại chuyển sang những khẩu hiệu yêu cầu phế truất, truy tố và phạt tù ông Yoon.

"Các cuộc biểu tình trước đây có thể bạo lực, đáng sợ. Nhưng âm nhạc, lightstick khiến mọi thứ trở nên ôn hòa hơn", Lee Seul-gi, 36 tuổi, nhận xét.

Shin Jae-yun, người vẫy lightstick biểu tình, cho biết đây là một "cuộc chơi dài hạn và đau đớn, không có gì đảm bảo mọi thứ sẽ lập tức cải thiện". "Để chịu đựng nỗi đau đó, cần có điều gì để vui vẻ đôi chút, tạo hy vọng ngay cả khi vấn đề kéo dài", Shin nói.

Những lá cờ sáng tạo, châm biếm được vẫy trong những đám đông biểu tình ở Seoul. Ảnh: KBS

Ngoài ca hát, những biểu ngữ sáng tạo, hài hước, châm biếm cũng là yếu tố khác biệt trong các cuộc biểu tình. Người biểu tình cầm theo các lá cờ nói rằng họ đến từ "Hiệp hội những người không muốn làm bất cứ điều gì", "Những người hướng nội" và "Những người không thể quyết định nên xem gì trên mạng".

Một trong những biểu ngữ gây chú ý nhất là "Liên minh Quốc gia Những người ở lì trong nhà". "Xin hãy để chúng tôi ở nhà. Chúng tôi chán ngấy việc phải ra đường rồi", thông điệp trên lá cờ có đoạn.

Một game thủ còn giăng biểu ngữ: "Tôi thậm chí không thể chơi game yên ổn ở nhà vì quá lo lắng", sau đó mở laptop và chơi game ngay trên vỉa hè.

Trong khi đó, những người yêu động vật đem đến biểu ngữ "Liên minh mèo béo", "Hội nghiên cứu mùi bàn chân chó". Còn những người yêu ẩm thực vẫy cờ in dòng "CLB đam mê kem chocolate bạc hà", "Hội sành ăn cơm cuộn kimbap", "Hội quảng bá thịt nguội Spam không calo".

Những người quan tâm đến sức khỏe cũng tham gia, giăng biểu ngữ "Hiệp hội phòng chống tăng đường huyết", "Hội chấn thương khuỷu tay khi chơi tennis".

Một người biểu tình mở laptop chơi game ngay trên vỉa hè ở Seoul. Ảnh: KBS

Giới quan sát cho rằng những biểu ngữ châm biếm, sáng tạo này phản ánh thực tế sâu sắc, khi người tham gia đang dùng nỗi lo, nỗi thất vọng hay sở thích cá nhân để phản ánh rằng không chỉ có các công đoàn, nhóm lợi ích, các tổ chức chính trị bất mãn với động thái thiết quân luận của chính phủ.

"Những lá cờ này cho thấy ai cũng có thể thể hiện lập trường, không cần phải thuộc phe nhóm nào. Ngay cả khi tất cả những gì bạn quan tâm chỉ là con mèo, ly cà phê hay thần tượng K-pop, bạn vẫn có lý do để đứng lên vì nền dân chủ", một người biểu tình giải thích.

Người dùng mạng ngoại quốc ngạc nhiên về cách người Hàn đối mặt với khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. "Đúng là người Hàn Quốc! Trời lạnh cóng, tình hình tồi tệ, nhưng những lá cờ vẫn khiến mọi người cười", một người bình luận.

Người Hàn cầm lightstick sặc sỡ biểu tình ở Seoul hồi đầu tháng. Ảnh: Reuters

Đức Trung (Theo Korea Herald, Reuters, KBS)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020