Chuyên mục  


"Bất kỳ nước nào áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine sẽ bị coi là tham gia xung đột vũ trang", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc gặp trực tuyến với các nhân viên hãng hàng không Aeroflot hôm nay.

"Các biện pháp trừng phạt đang được áp dụng giống như lời tuyên chiến nhưng tạ ơn Chúa, mọi chuyện chưa đến mức đó", ông Putin nói.

Tổng thống Putin khẳng định Moskva phải hành động để bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine và lợi ích của chính mình. Ông bác bỏ khả năng ban bố tình trạng thiết quân luật trong nước, nói rằng nó chỉ được áp dụng khi "có hành động hung hăng từ nước ngoài".

Ông chủ Điện Kremlin cho rằng "mọi thứ vẫn diễn ra theo kế hoạch" tại Ukraine và quân đội Nga sẽ hoàn thành mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt, đó là "phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine, cũng như bảo đảm trạng thái trung lập của nước này".

Tổng thống Putin họp với Hội đồng An ninh Nga hôm 3/3. Ảnh: AFP.

Mỹ cùng các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng như Anh, Canada, Nhật Bản và một số quốc gia khác đã áp đặt loạt lệnh trừng phạt Nga, như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT, phong tỏa tài sản tại Mỹ của Tổng thống Nga và cấm máy bay Nga vào không phận.

Các lệnh trừng phạt khiến Nga đối mặt khủng hoảng tài chính khi giá trị đồng ruble lao dốc xuống mức thấp kỷ lục so với USD. Pháp, Đức và Italy đã thu giữ siêu du thuyền của các nhà tài phiệt Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này cũng sẽ thu giữ du thuyền, căn hộ sang trọng và máy bay riêng của giới giàu Nga.

Trong khi đó, Điện Kremlin chỉ trích phương Tây hành xử như "kẻ cướp", tuyên bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ không bao giờ khiến Nga thay đổi lập trường về vấn đề Ukraine.

Một số nước cũng đã lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho rằng các biện pháp trừng phạt này là "điên rồ" và cần phải được chấm dứt. Mexico và Brazil cũng từ chối áp lệnh trừng phạt kinh tế với Nga.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng một số quan chức Ukraine cho biết lập vùng cấm bay là một trong những yêu cầu quan trọng mà họ đưa ra với các đồng minh phương Tây kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước này. Những người ủng hộ ý tưởng tin rằng vùng cấm bay sẽ cắt đứt hoạt động đường không của Nga, ngăn đà tiến công của quân đội Nga về phía Kiev.

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Biden đã thể hiện quan điểm rõ ràng và nhất quán rằng họ sẽ không cân nhắc phương án lập vùng cấm bay ở Ukraine vì lo ngại những hệ quả nguy hiểm. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đồng ý rằng thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine "có thể kích động một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu".

Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2 và chiến sự đã bước sang ngày thứ mười. Lực lượng Nga kiểm soát được thành phố lớn Kherson ở miền nam Ukraine và đang bao vây, pháo kích một loạt đô thị, trong đó có thủ đô Kiev và Kharkov, thành phố lớn thứ hai của nước này. Moskva khẳng định chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự.

Phái đoàn Nga và Ukraine lên kế hoạch tổ chức đàm phán vòng ba vào cuối tuần này nhằm tìm giải pháp cho chiến sự. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó khẳng định Moskva sẵn sàng đàm phán, nhưng vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự khi các cuộc hội đàm diễn ra, bởi Nga không thể cho phép "cơ sở hạ tầng quân sự" tiếp tục tồn tại ở Ukraine như một mối đe dọa với Nga.

Vũ Anh (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020