Trả lời phỏng vấn hôm 15/5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho rằng việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cho thấy Moskva "sẵn sàng" làm điều tương tự với các nước láng giềng khác. Ông không tin Nga có thể tấn công Phần Lan ngay bây giờ hoặc trong tương lai, nhưng bối cảnh chính trị chia rẽ ở châu Âu và thế giới khiến những quốc gia không liên kết "không còn nhiều chỗ".
Khi thông báo cho Nga về quyết định xin gia nhập NATO, ông Niinisto cho biết rất ngạc nhiên trước phản ứng bình tĩnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Thực sự, điều ngạc nhiên là ông ấy đón nhận thông tin một cách bình tĩnh đến vậy", Tổng thống Phần Lan nói. "Nhưng trong chính sách an ninh, đặc biệt là khi nói chuyện với Nga, bạn phải nhớ rằng không phải lúc nào bạn cũng hiểu hết những gì ông ấy nói. Nhưng cho đến nay, có vẻ như không có vấn đề nào xảy ra lập tức".
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự cuộc họp của Ủy ban giám sát Nga ở Moskva tháng trước. Ảnh: AFP.
Ông Niinisto cũng bày tỏ ngạc nhiên trước những bình luận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhưng không lo lắng việc Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản Phần Lan gia nhập NATO.
"Tôi tin rằng sẽ còn rất nhiều cuộc thảo luận và tôi không lo lắng về điều đó", ông cho hay.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine", Phần Lan và Thụy Điển quyết định xem xét khả năng gia nhập NATO, từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ.
Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan ngày 15/5 xác nhận nước này sẽ gia nhập NATO, gọi đây là quyết định mang tính lịch sử mở ra một kỷ nguyên mới. Bước tiếp theo, quốc hội Phần Lan sẽ nhóm họp ngày 16/5 để thảo luận về quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO. Giới chuyên gia dự đoán phần đa trong số 200 nghị sĩ quốc hội Phần Lan sẽ ủng hộ quyết định xin gia nhập NATO.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 13/5 tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ "không có quan điểm tích cực" về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, với cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu chứa chấp các nhóm mà Ankara coi là khủng bố. Tuy nhiên, phát ngôn viên của ông Erdogan sau đó nói Thổ Nhĩ Kỳ không đóng cánh cửa vào NATO đối với hai nước Bắc Âu.
Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 binh sĩ nước này thiệt mạng.
Xuyên suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy hôm 12/5 chỉ trích NATO không thân thiện với Nga, cảnh báo nước này sẽ coi Phần Lan, Thụy Điển là mục tiêu nếu họ gia nhập liên minh.
7 thập kỷ đông tiến của NATO. Đồ họa: Statista
Huyền Lê (Theo CNN)