Chuyên mục  


"Nơi đây từng là nhà của chúng tôi. Tất cả đã bị phá hủy, ngọn lửa đã nuốt chửng giấc mơ của chúng tôi", William Gonzales, cư dân thành phố Altadena ở bang California của Mỹ, nói hôm 8/1 khi đứng cạnh đống đổ nát vẫn đang cháy âm ỉ.

Các đám cháy rừng bùng lên ở nhiều khu vực tại Los Angeles như Pacific Palisades, Eaton và Hurst từ ngày 7/1, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, thiêu rụi hàng loạt ngôi nhà và buộc hơn 100.000 người dân sơ tán. Giới chức địa phương chưa ước tính được thiệt hại vật chất, nhưng nói rằng hơn 13.000 công trình trong diện nguy hiểm.

Tại Altadena, phía bắc Los Angeles, lực lượng cứu hỏa bị quá tải khi đối phó ngọn lửa đã thiêu rụi khoảng 500 công trình. Tới ngày 8/1, đường phố nơi đây ngập trong tro bụi và nhiều ngôi nhà vẫn bốc cháy.

"Đây là tất cả cuộc đời của tôi", một chủ cửa hàng khoảng 60 tuổi bật khóc trước đống đổ nát.

nhung-nguoi-mat-trang-vi-chay-rung-california-1736411592.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fPx6l_MAvc4eEoxVypeCbw
Những người mất trắng vì cháy rừng California

Một gia đình bị hỏa hoạn bao vây ở Los Angeles. Video: X/@SiaKordestani

Jesus Hernandez lo lắng không biết bố mẹ mình có được đền bù sau khi ngôi nhà trị giá 1,3 triệu USD bị phá hủy trong đám cháy hay không. "Hy vọng bảo hiểm sẽ bồi thường phần lớn, nếu không chúng tôi sẽ phải đi ở nhờ", Hernandez cho hay.

Cháy rừng lan khắp Los Angeles chỉ trong vòng hơn 24 giờ, đám cháy mới nhất bùng lên ở Hollywood Hills, chỉ cách Đại lộ Hollywood nổi tiếng khoảng một km. Những trận gió lớn khiến ngọn lửa bùng lên nhanh hơn khả năng ứng phó của lực lượng khẩn cấp.

Gió to kết hợp với điều kiện khô cằn càng tạo ra thuận lợi cho hỏa hoạn và trở thành cơn ác mộng của lính cứu hỏa, khi họ phải vật lộn tìm nguồn nước. Nhiều vòi cứu hỏa ở khu Pacific Palisades đã ngừng hoạt động sau khi các bể chứa cạn kiệt.

David Stewart, cư dân Pacific Palisades, tuyên bố sẽ không bỏ cuộc trước đám cháy. "Chính quyền hạt đã cắt nguồn cấp nước nên chúng tôi phải dùng xẻng để xúc đất dập lửa. Chúng tôi đã cứu được ba ngôi nhà, nhưng đám cháy vẫn tiếp tục lan rộng", Stewart nói.

Anh gần như không thể tưởng tượng được cảnh hoang tàn ở nơi đã gắn bó cả đời. "Đây là tiệm đồ cổ nhỏ, kia là tiệm bánh pizza. Những nơi này đã tồn tại từ rất lâu", Stewart cho hay.

Một cư dân đứng giữa khu đổ nát ở Pacific Palisades, Los Angeles, ngày 8/1. Ảnh: AP

Trong khi đó, Jesse Banks đang cố gắng liên lạc với con trai, người đã sơ tán từ trước.

"Con tôi chạy bộ khỏi nhà mà không mang điện thoại di động hay phương tiện liên lạc nào, nên tôi đang phải tìm kiếm nó", Banks nói. Bà đã sống ở khu vực này hơn 20 năm và chứng kiến nhiều vụ cháy, nhưng chưa từng thấy sự việc nào nghiêm trọng như thế này.

Giới chức California dự báo sức gió sẽ giảm dần, nhưng vẫn duy trì báo động đỏ về nguy cơ cháy rừng cao đến tối 10/1.

Nhiều người dân địa phương cho biết họ đã cảm nhận rõ hơn các cảnh báo của giới khoa học rằng sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đang làm tăng tần suất, cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan.

"Có lẽ biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi thứ. Tôi chắc chắn nó đã góp phần khiến điều này xảy ra. Thế giới đang trong tình cảnh tồi tệ và chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa", chủ cửa hàng tên Debbie Collins cho hay.

Ngọc Ánh (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020