Gần 1,5 triệu người dân tộc Đức sống ở Liên Xô khi Thế chiến II nổ ra. Họ là hậu duệ của những người được Nữ hoàng Catherine II cho phép định cư trên lãnh thổ Đế quốc Nga trong thế kỷ 18. Vùng Volga là khu vực tập trung nhiều người Đức nhất. Năm 1923, họ còn thành lập một nước cộng hòa tự trị trong lòng Liên Xô.
Hơn 33.000 người dân tộc Đức phục vụ trong Hồng quân vào thời điểm phát xít Đức xâm lược Liên Xô. Trong những tháng đầu cuộc chiến, Liên Xô nhấn mạnh sự khác biệt giữa Đức Quốc xã và "người Đức của chúng ta", cũng như xuất bản nhiều bài báo về hành động anh hùng của những người Đức trong nước.
Hàng chục người Đức ở Liên Xô đã chiến đấu trong pháo đài Brest, nơi hứng chịu đợt tấn công dữ dội của phát xít Đức ngày 22/6/1941. Thiếu tá Alexander Dulkayt, chỉ huy Trung đoàn bộ binh số 125, trung tá quân y Erikh Krol và thượng sĩ Vyacheslav Meyer đã tham gia cuộc phản công thành công đầu tiên, đánh dấu bắt đầu hoạt động phòng ngự có tổ chức.
Thiếu tá Dulkayt (trái) và thượng sĩ Meyer. Ảnh: RBTH.
Trong gần một tuần, Sư đoàn bộ binh số 153 dưới sự chỉ huy của đại tá Nikolai Gagen đã đẩy lùi các đơn vị thuộc Quân đoàn bộ binh cơ giới số 39 của Đức ở ngoại ô Vitebsk. Trong 18 ngày tiếp theo, sư đoàn tiếp tục giao tranh sau khi bị bao vây hoàn toàn. Họ phá vây thành công khi đã gần cạn kiệt đạn dược và nhiên liệu. Nhờ chiến công này, Sư đoàn số 153 là một trong những đơn vị đầu tiên được trao danh hiệu "Cận vệ", trong khi đại tá Gagen được thưởng Huân chương Lenin.
Tuy nhiên, sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô "về tái định cư người Đức sinh sống ở vùng Volga" ngày 28/8/1941 đã thay đổi số phận cộng đồng gốc Đức thiểu số theo hướng bi thảm.
Thái độ của chính quyền với người gốc Đức dần thay đổi khi quân Đức tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô, nhất là khi xuất hiện báo cáo cho thấy các ngôi làng người Đức ở Ukraine đã chào đón quân địch.
"Các chiến dịch quân sự ở sông Dniester cho thấy dân Đức ở đây đã bắn vào binh sĩ của chúng ta đang rút lui", báo cáo của bộ chỉ huy Phương diện quân phía Nam gửi lãnh đạo Iosef Stalin ngày 3/8/1941 có đoạn viết.
Bất chấp thực tế hàng nghìn tình nguyện viên Đức đổ xô đến điểm tuyển quân với hy vọng được ra tiền tuyến, người gốc Đức ở Liên Xô bị coi là "đạo quân thứ 5", ám chỉ những người có nguy cơ thông đồng với địch. Lãnh đạo Stalin đã ra chỉ thị cho Bộ trưởng Dân ủy Nội vụ Lavrentiy Beria trục xuất những người gốc Đức.
Theo sắc lệnh, nước Cộng hòa tự trị Đức ở Volga bị giải thể. Trong thời gian rất ngắn, hàng trăm nghìn người Đức ở đây được tái định cư đến Siberia, Altai và Kazakhstan. Trong những tháng tiếp theo, quá trình trục xuất diễn ra ở các vùng lãnh thổ phía tây Liên Xô chưa bị địch chiếm đóng. Ở các địa điểm định cư mới, nhiều người Đức được huy động tham gia lao động khai thác khoáng sản, thu mua gỗ và xây dựng.
Đại tá Nikolai Gagen. Ảnh: Sputnik.
Cùng lúc đó, người gốc Đức cũng bị rút khỏi tiền tuyến. Chỉ thị số 35105 của Bộ Quốc phòng Liên Xô ngày 8/9/1941 nêu rõ "mọi sĩ quan và chiến sĩ thuộc dân tộc Đức cần bị loại khỏi các đơn vị Hồng quân, các học viện nhà trường quân đội, các tổ chức và cơ sở giáo dục ở cả tiền tuyến lẫn hậu phương, trước khi chuyển tới các đơn vị xây dựng trong nước".
Với nhiều người Đức, quyết định này là một cú sốc. Trong một cuộc giao tranh tháng 7/1941, phi công Pyotr Getts lái tiêm kích I-16 đã đơn thương độc mã đánh đuổi một phi đội oanh tạc cơ địch ở thành phố Orsha, miền đông Belarus và được đề nghị tặng Huân chương Sao đỏ. Tuy nhiên, theo chỉ thị mới, ông bị rút khỏi tiền tuyến dù đã khẩn cầu và bị điều đi khai thác gỗ ở vùng Ural.
Không phải tất cả người Đức ở Liên Xô đều chấp nhận làm việc ở hậu phương. Một số người tìm cách ở lại lực lượng vũ trang theo các điều khoản của chỉ thị 35105. Chính ủy và chỉ huy các đơn vị có thể đề xuất lên Bộ Quốc phòng để giữ lại những người gốc Đức trong đơn vị nếu cho rằng việc này là cần thiết.
Một số người gốc Đức vẫn kiên trì để được chiến đấu. Đại tá Sergei Volkenstein liên tục yêu cầu trở lại tiền tuyến và cuối cùng được chấp thuận năm 1942. Sau đó, chỉ huy này đã chiến đấu ở Tiệp Khắc với quân hàm thiếu tướng và được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì thành tích xuất sắc trong chỉ huy một sư đoàn pháo binh.
Năm 1941, Paul Shmidt trốn khỏi một công trình xây dựng đường sắt để ra tiền tuyến, nơi ông dùng tên giả là Ali Akhmedov để chiến đấu. Shmidt sau đó trở thành xạ thủ súng cối, tham gia trận đánh cuối cùng ở Berlin với hàm trung sĩ. Lúc này ông mới tiết lộ thân phận nhưng không bị trừng phạt nhờ Nguyên soái Zhukov can thiệp.
Nhiều người Đức ở Liên Xô cũng tham gia các nhóm dân quân kháng chiến. Khả năng nói tiếng Đức của họ trở nên vô giá và thường được sử dụng trong các chiến dịch trinh sát phá hoại. Nổi bật nhất trong số này là Anh hùng Liên Xô Alexander German, người hy sinh năm 1943. Lữ đoàn của Alexander German đã xóa sổ 17 đơn vị đồn trú và 70 chính quyền nông thôn do phát xít Đức thành lập, cho nổ tung 31 cây cầu đường sắt và loại khỏi vòng chiến khoảng 10.000 binh sĩ đối phương.
Khoảng vài trăm binh sĩ Đức đào ngũ sang phía Liên Xô trong chiến tranh, nhưng Liên Xô cũng không quá tin tưởng vì nghi ngờ họ làm gián điệp và chỉ bố trí công việc ở hậu phương.
Duy Sơn (Theo RBTH)