Người dân xếp hàng chờ đến lượt vào mua sắm tại siêu thị Co.opmart Nhiêu Lộc, quận 3, TP.HCM sáng 13-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong ngày 13-7, để giảm áp lực lên các điểm bán của siêu thị, nhiều chuyến bán hàng lưu động đã được triển khai đến các khu vực đông dân cư của TP.HCM.
40.000 đồng/gói 100g ớt
Theo ghi nhận, tại cửa hàng Bách Hóa Xanh, hiện giá rau muống hạt baby tươi bán ra đã lên tới hơn 50.000 đồng/kg; xà lách búp mỡ 40.000 đồng/kg, bông cải xanh 60.000 đồng/kg... Giá này nhiều người dân khi mua kêu tăng mạnh so với bình thường.
Tại một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm, rau củ được đóng gói nhỏ xíu với mức giá còn cao hơn, như: rau muống 300gr giá 19.000 đồng, khổ qua 300gr 22.000 đồng/phần...
Đặc biệt, các loại rau gia vị như hành lá, ngò, ớt tươi, gừng... được nhiều người "tìm đỏ mắt" vẫn khó mua dù giá tăng gấp 2-3 lần so với trước.
Nhiều người còn bức xúc với giá "không tưởng" niêm yết mặt hàng ớt tươi mà Vinmart bán trên sàn Lazada đến 40.000 đồng/gói 100g, tức 400.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, sau khi Tuổi Trẻ phản ánh, đại diện siêu thị cho biết đây là... nhầm lẫn kỹ thuật. Giá được niêm yết lại còn 4.200 đồng/50gr, tức 82.000 đồng/kg.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-7, đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh khẳng định không tăng giá để kiếm lời trong giai đoạn giãn cách. Tuy vậy, một số mặt hàng như rau củ, đơn vị không thể giữ giá ổn định như trước dịch do quá nhiều chi phí phát sinh.
Đại diện Saigon Co.op xác nhận giá bán một vài loại thực phẩm tại đơn vị có tăng nhẹ so với thời điểm bình thường, nhưng đây là các chủng hàng nằm ngoài danh sách hàng bình ổn, việc tăng giá cũng đã thông qua cơ quan quản lý nhà nước. Còn lại hầu hết các mặt hàng thiết yếu giá bán vẫn ổn định.
Saigon Co.op cũng thông tin giá một số mặt hàng bình ổn đang chênh lệch rất lớn so với giá thị trường.
Chẳng hạn giá trứng tại siêu thị này khoảng 26.000 - 27.000 đồng/chục trứng gà nhưng giá bên ngoài đã lên 40.000 - 45.000 đồng/chục, khiến siêu thị phải gắn bảng giới hạn số lượng, đảm bảo nhiều người mua được.
Siêu thị giải thích việc giá tăng cao
Đại diện chuỗi Bách Hóa Xanh cho biết hàng về TP phải qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến thời gian, chi phí vận chuyển tăng đáng kể (cộng thêm giá xăng tăng) và tỉ lệ hư hao tăng cao.
Đơn vị này nói cũng tốn chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng ngàn tài xế, nhân viên kho, nhân viên đi làm ở 2 tỉnh lân cận nhau.
Rồi chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển; hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công; hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông... "Rất nhiều khâu phát sinh chi phí, buộc đơn vị phải tăng giá bán ra" - vị này khẳng định.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, giám đốc vận hành VinMart miền Nam, cũng cho biết hàng muốn nhập vào TP phải có giấy phép lưu hành của các cơ quan chức năng cấp và tài xế cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính COVID-19 trong thời hạn ngắn, chỉ 3 ngày nên lưu thông hàng hóa bị hạn chế rất nhiều.
Nhiều nhà bán lẻ kiến nghị triển khai mô hình xét nghiệm nhanh, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Đồng thời, nghiên cứu các phương án đảm bảo luân chuyển hàng hóa không bị tắc nghẽn tại các chốt ven TP.
Tăng chuyến hàng lưu động
Trong ngày 13-7, người dân ở nhiều khu phố tại TP.HCM đã đón những chuyến xe hàng lưu động của các siêu thị giúp giảm khó khăn trong mua sắm.
Siêu thị AEON Việt Nam cho hay trong ngày 13-7 có 4 xe bán hàng lưu động tới 4 điểm, thuộc ba quận gồm Tân Bình, Bình Thạnh và quận 3. Trước đó, MM Mega Market Việt Nam cũng đã có 2 chuyến hàng lưu động đến bà con TP Thủ Đức.
Theo các siêu thị, mỗi điểm bán chỉ mở trong một buổi để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đặc biệt với các sản phẩm thực phẩm tươi sống.
Do khối lượng vận chuyển xe giới hạn, khách được khuyến khích mua với số lượng vừa phải. Các siêu thị cho hay cần thời gian chuẩn bị xe, nhân sự và đảm bảo các biện pháp phòng dịch nên gặp đôi chút khó khăn bước đầu.
Đại diện Bách Hóa Xanh khẳng định ngoài 4 điểm bán lưu động đã được tổ chức, đơn vị có kế hoạch tăng thêm, trong đó ưu tiên khu vực ít siêu thị, chợ truyền thống đóng cửa nhiều.
Saigon Co.op cũng cho biết ngoài 2 điểm bán lưu động đã triển khai, hiện đơn vị đang xây dựng chương trình bán hàng lưu động tại nhiều quận huyện.
Tuy vậy, theo đơn vị này, khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt nguồn nhân lực do nhiều nhân viên phải cách ly, tăng cường cho giao nhận.
Hiện số lượng nhân sự của Saigon Co.op tại TP.HCM chưa đến 10.000 người nhưng đang phục vụ ước tính cho 3 đến 5 triệu người dân TP, ngoài tại siêu thị, bán hàng online, hệ thống siêu thị còn chịu trách nhiệm cung cấp hơn 10.000 suất ăn và nhu yếu phẩm cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
"Hàng hóa đến lúc này không thiếu nhưng hệ thống siêu thị cũng cần có sự phối hợp hỗ trợ mua sắm tiêu dùng hết sức trách nhiệm của từng người dân như mua sắm vừa phải đúng nhu cầu, tham gia mua sắm online...", đại diện Saigon Co.op chia sẻ.
Hàng bị gom bán ra ngoài, Saigon Co.op vẫn không tăng giá
Ngày 13-7, Saigon Co.op cho biết dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong công tác vận tải, vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ cùng rất nhiều khó khăn về nhân sự nhưng Saigon Co.op vẫn không tăng giá hàng hóa để chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân.
Nhân viên siêu thị Co.opmart SCA Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TP.HCM đi chợ hộ cho khách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giá cả các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food chưa có bất kỳ điều chỉnh tăng nào từ trước giãn cách cho đến nay.
Tuy nhiên, lợi dụng việc giá cả siêu thị bình ổn và người dân có nhu cầu cao, tại các siêu thị của Saigon Co.op đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng một số cá nhân gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán để hưởng lợi.
Điều này khiến một số mặt hàng đứt hàng cục bộ, không châm hàng kịp dẫn đến việc một số người dân có nhu cầu thật sự không mua được hàng, nhất là trứng gà, khiến các siêu thị phải dán bảng hạn chế số lượng mua.
Đại diện Saigon Co.op cho hay tình trạng trên được phát hiện và xử lý kịp thời. Hàng hóa đang đổ về nhiều do các thủ tục vận tải, vận chuyển ngày càng được khai thông nên phân phối hàng hóa đến dân ngày càng thuận lợi hơn.
T.V.N.
Thí điểm kinh doanh rau củ tại các chợ tạm ngưng
Ngày 13-7, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương ký gửi hỏa tốc văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ truyền thống để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa đến UBND TP Thủ Đức và các quận huyện.
Theo văn bản này, nhằm giảm tải lượng khách đến siêu thị, Sở Công thương đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận huyện chỉ đạo đơn vị quản lý các chợ đang tạm dừng hoạt động lựa chọn vị trí, tổ chức các điểm bán phù hợp và đảm bảo quy định phòng chống dịch; thí điểm lựa chọn một số tiểu thương kinh doanh rau củ quả, khoảng 2-10 tiểu thương. Trường hợp có nhiều tiểu thương thì bố trí kinh doanh luân phiên.
Bên cạnh đó, cần thực hiện phát thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng, phân bố số người đến theo khung giờ. Từ thí điểm, các cơ quan sẽ đánh giá việc triển khai thí điểm kinh doanh rau củ quả và triển khai mở rộng với mặt hàng tươi sống khác.
Theo sở, tính đến ngày 12-7 TP.HCM có 171/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19.
N.TRÍ
TTO - "Sang tháng 5 một số nhãn thông báo sẽ tăng nữa, bây giờ chai dầu ăn bán lẻ cũng đã trên 35.000 đồng/chai 1 lít" - bà Trang nói. Nhiều bà nội trợ cho biết đường, muối, bột nêm, mì ăn liền... cũng tăng. Tại sao?