Ông Võ Quan Huy phát biểu thảo luận - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Võ Quan Huy, chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, cho biết trong các yếu tố để phát triển tôm bền vững có cơ sở hạ tầng và vốn.
Về cơ sở hạ tầng, ông Huy cho rằng đặc thù ở vùng biển Sóc Trăng là có phù sa rất nhiều, nếu người nuôi đầu tư thủy lợi không đủ cũng sẽ gặp khó. Do đó, cần có những con kênh lấy nước từ biển vào nuôi tôm.
"Chúng tôi đề xuất tỉnh Sóc Trăng cần mạnh dạn quy hoạch một khu công nghiệp nuôi tôm. Quy hoạch này chúng tôi nghĩ sẽ giúp phát triển tốt vấn đề nuôi tôm sau này. Mình có khu công nghiệp là có tất cả, trong đó giá thành giảm 20% trở lên cho người nuôi. Nếu có nhà đầu tư, nhà máy chế biến mà đầu tư vào khu đó sẽ giúp cho người nuôi mua vật tư đầu vào như bạt, quạt, thiết bị động cơ...", ông Huy đề xuất.
Ông Huy cho rằng thành tích tôm Sóc Trăng hiện nay được cả nước biết tới. Nhưng người nuôi tôm còn gặp nhiều khó khăn về vốn. Do đó, cần xây dựng chương trình vay tín dụng mà không nhận tiền bằng cách liên kết chuỗi các nhà cung cấp giá rẻ và ngân hàng bảo lãnh cho người nông dân nhận thức ăn, vật tư.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch AFT, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản - cho biết vấn đề quy hoạch nuôi thủy sản cần đặt trong tổng thể quy hoạch nông nghiệp và tổng thể kinh tế quốc gia.
Theo bà Minh, quy hoạch hiện tại dựa chủ yếu vào tôm, cá tra, nhưng bỏ qua cá rô phi vốn là loài dễ nuôi ở cả nước ngọt, nước lợ và có tác dụng làm sạch môi trường. Quy hoạch ngoài phát triển theo chiều rộng, cần hình thành hệ sinh thái liên kết chặt chẽ có sức mạnh nội sinh.
"Tôi đã nghiên cứu nhiều và thấy ở các nước họ liên kết lại xây dựng thương hiệu chung (đương nhiên có thương hiệu riêng). Tôi nghĩ chúng ta phải đi đến đó. Hiện cá tra có hội nhưng mạnh ai giảm giá, cạnh tranh nhau, không đặt tiêu chuẩn. Chúng ta có thể thay đổi nếu chúng ta xây dựng cộng đồng liên kết chặt chẽ, cùng nhau xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường", bà Minh chia sẻ.
Ông Trần Đình Luân phát biểu trong hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Trần Đình Luân - tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho rằng để khai thác thủy sản bền vững, vấn đề đặt ra là số lượng tàu và khả năng ngư trường khai thác của chúng ta như thế nào.
Theo ông Luân, khai thác bền vững là ngư dân cần nâng cao năng lực bảo quản sản phẩm trên tàu. Những chiếc tàu khai thác không hiệu quả cần chuyển đổi nghề cho phù hợp và mang lại hiệu quả. Đồng thời, các đơn vị quản lý, địa phương, ngư dân phải có trách nhiệm giám sát và tuân thủ pháp luật về ngư trường.
Ông Luân cho biết số tỉnh ven biển như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi dự kiến khởi động các chương trình sinh kế bền vững thông qua bảo vệ nguồn lợi gắn với du lịch. Đây cũng là cách chuyển đổi mô hình kinh tế, khai thác thủy sản bền vững.
TTO - Ông TẠ QUANG NGỌC, nguyên bộ trưởng Bộ Thủy sản, đã có trao đổi với Tuổi Trẻ về phát triển ngành công nghiệp thủy hải sản vươn lên tốp đầu thế giới.