Chuyên mục  


"Tên lửa ATACMS được phóng nhiều lần trong đêm nay nhằm vào tỉnh Bryansk. Đây rõ ràng là tín hiệu cho thấy phương Tây muốn leo thang", Ngoại trưởng Sergey Lavrov ngày 19/11 nói. "Chúng tôi sẽ coi đây là giai đoạn mới về tính chất cuộc chiến của phương Tây nhằm vào Nga".

Ông Lavrov cáo buộc Washington hỗ trợ Kiev vận hành tên lửa. "Chúng tôi dựa trên thực tế là không thể dùng bất cứ tên lửa ATACMS nào nếu chuyên gia Mỹ không tham gia, trong đó có công đoạn nạp dữ liệu vệ tinh và lập trình mục tiêu. Tên lửa tầm xa mà Ukraine phóng vào Nga có sự kiểm soát của các chuyên gia quân sự Mỹ", Ngoại trưởng Nga nhận định. "Chúng tôi sẽ phản ứng tương xứng".

Mỹ chưa bình luận về đánh giá của Ngoại trưởng Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: BNG Nga

Ông Lavrov đưa ra tuyên bố sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo Ukraine phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS vào tỉnh biên giới Bryansk ngày 19/11. Nga nói rằng phòng không đã bắn hạ 5 tên lửa và làm hư hại một quả đạn, mảnh vỡ rơi xuống một cơ sở quân sự và gây hỏa hoạn. Không có thương vong và thiệt hại trong vụ tập kích.

Trong khi đó, Ukraine cho biết họ tấn công kho vũ khí Nga ở thị trấn Karachev thuộc tỉnh Bryansk, cách biên giới khoảng 110 km, và phát hiện 12 vụ nổ thứ cấp sau đòn tập kích. Ukraine không công khai họ dùng quả đạn gì, nhưng các nguồn tin quan chức Ukraine và Mỹ xác nhận với Reuters rằng đó là tên lửa ATACMS.

Vị trí tỉnh Bryansk của Nga. Đồ họa: RYV

Vụ tập kích diễn ra sau khi truyền thông quốc tế ngày 17/11 đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ viện trợ để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga. Mỹ chưa xác nhận thông tin này.

ATACMS được Mỹ phát triển từ những năm 1980, biên chế vào năm 1991. Tên lửa có thể phóng từ pháo phản lực HIMARS hoặc M270 MLRS. Biến thể ATACMS Block I có tầm bắn tối đa 165 km, các biến thể sau có thể đánh trúng mục tiêu cách xa khoảng 200-300 km.

Thông tin về vụ tập kích xuất hiện vài giờ sau khi Tổng thống Putin duyệt bản cập nhật học thuyết hạt nhân, cho phép dùng vũ khí nguyên tử nếu Nga bị không kích quy mô lớn, kể cả trong trường hợp đối phương tấn công bằng vũ khí thông thường. Học thuyết khẳng định chính sách răn đe hạt nhân của Nga chỉ mang tính phòng thủ.

Nguyễn Tiến (Theo AFP, TASS, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020