Nghiên cứu được công bố ngày 15/11 trên Tạp chí Clinical Investigation. Thông tin di truyền từ virus gây Covid-19 khiến hệ miễn dịch tạo ra các tế bào đặc biệt có đặc tính chống ung thư. Các tế bào này gọi là bạch cầu đơn nhân, giúp thu nhỏ một số khối u ở chuột.
Theo tiến sĩ Ankit Bharat, Trưởng Khoa phẫu thuật lồng ngực tại Northwestern Medicine, tác giả chính của nghiên cứu, thông thường, ung thư lây lan khi bạch cầu đơn nhân tập trung tại vị trí khối u. Các tế bào khối u sau đó chuyển đổi những bạch cầu này thành tế bào thân thiện với ung thư. Bạch cầu đơn nhân sau đó giúp bảo vệ tế bào ung thư khỏi hệ thống miễn dịch, cho phép khối u phát triển.
"Về cơ bản, chúng tạo thành một lớp bảo vệ xung quanh các tế bào ung thư, che chắn chúng khỏi sự tấn công của hệ miễn dịch của cơ thể", tiến sĩ Bharat nói.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng một số bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn Covid-19, có thể gây ra những thay đổi trong đặc tính của bạch cầu đơn nhân. Tiến sĩ Christopher Ohl, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Atrium Health Wake Forest Baptist, cho biết những bạch cầu đơn nhân "mới" này được huấn luyện để nhắm mục tiêu cụ thể vào virus, nhằm điều phối phản ứng miễn dịch hiệu quả hơn.
Tiến sĩ Bharat và các đồng nghiệp nhận thấy, khối u của một số bệnh nhân mắc Covid-19 nặng đã thu nhỏ lại. Vì vậy, họ phân tích mẫu máu từ các ca bệnh và phát hiện, bạch cầu đơn nhân được tạo ra sau khi nhiễm virus vẫn giữ lại một thụ thể đặc biệt, liên kết tốt với chuỗi RNA của Covid-19.
Ảnh hiển vi điện tử virus nCoV gây bệnh Covid-19. Ảnh: Adobe Stock
Các nhà khoa học tiếp tục thực hiện nghiên cứu trên chuột mắc ung thư hắc tố, ung thư phổi, ung thư vú và ung thư ruột kết giai đoạn 4. Chuột thí nghiệm được dùng một loại thuốc để tạo ra bạch cầu đơn nhân bắt chước phản ứng miễn dịch khi mắc Covid-19. Kết quả, cả 4 khối u ung thư đều thu nhỏ. Các nhà khoa học nhận thấy, bạch cầu đơn nhân đã biến đổi có đặc tính chống ung thư, không bị khối u chuyển đổi thành các tế bào "thân thiện với ung thư" che chắn cho chúng.
Thay vào đó, bạch cầu đơn nhân đã di chuyển đến vị trí khối u của chuột - điều mà hầu hết tế bào miễn dịch không làm được. Tiến sĩ Bharat cho biết, một khi ở gần khối u, bạch cầu đơn nhân sẽ kích hoạt tế bào tiêu diệt tự nhiên.
Tiến sĩ Bharat cho rằng cơ chế này có thể hoạt động ở người, chống lại các loại ung thư khác vì nó phá vỡ con đường lây lan của khối u khắp cơ thể. Theo ông, vaccine Covid-19 trên thị trường khó có thể kích hoạt cơ chế này, vì chúng không sử dụng cùng chuỗi RNA với virus. Tuy nhiên, giới chuyên gia có thể phát triển thêm thuốc và vaccine để điều trị các dạng ung thư tiến triển, không đáp ứng với liệu pháp miễn dịch.
Theo Yibin Kang, giáo sư sinh học phân tử tại Đại học Princeton, liệu pháp miễn dịch có tác dụng 20% - 40%. Điều trị thất bại khi cơ thể người bệnh không thể sản xuất đủ tế bào T, có chức năng tiêu diệt ung thư.
"Vấn đề của liệu pháp này là nó phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của tế bào T", Tiến sĩ Kang giải thích.
Tiến sĩ Kang cho biết, nghiên cứu mới rất hứa hẹn, vì nó đề xuất thêm cách tiêu diệt khối u có chọn lọc, không phụ thuộc vào tế bào T. Tiến sĩ Ohl đồng ý với nhận định này, cho rằng liệu pháp từ Covid-19 là "đường vòng", bỏ qua các rào cản truyền thống gặp phải trong quá trình điều trị miễn dịch. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thử nghiệm lâm sàng để xem cơ chế này có hiệu quả tương tự ở người hay không.
Thục Linh (Theo Live Science)