Chuyên mục  


Sở hữu 500 lao động, nhà máy ở Freiberg (Đức) của công ty thiết bị năng lượng mặt trời Meyer Burger (Thụy Sĩ) đóng cửa vào giữa tháng 3, sau khi đàm phán thất bại với chính phủ Đức về biện pháp giải cứu.

Trước đó, Bộ kinh tế Đức cho biết nhận thức được "tình hình rất nghiêm trọng" của các công ty và đã xem xét các phương án tài trợ trong hơn một năm. Họ đồng ý cấp cho Meyer Burger khoản hỗ trợ xuất khẩu giúp duy trì được nhà máy gần đó nhưng không cứu được cơ sở tại Freiberg.

Tại Dresden, công ty công nghệ năng lượng mặt trời Solarwatt đang tồn kho các tấm pin từ 6 đến 9 tháng, tăng từ khoảng 6 tuần trước đây. Họ đã sa thải 10% nhân viên năm ngoái và công suất sản xuất duy trì còn một phần ba. "Ngành công nghiệp này quan trọng với tương lai, chúng ta không thể để mất tất cả năng lực của mình", CEO Detlef Neuhaus nói.

Thực tập sinh Max Lange đứng cạnh một tấm pin mặt trời lăn ra khỏi dây chuyền lắp ráp tại nhà máy Meyer Burger ở Freiberg, Đức ngày 12/3. Ảnh: Reuters

Trong năm qua, ít nhất 10 nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo ở châu Âu đóng cửa hoặc di chuyển địa điểm hoạt động do gặp khó khăn về tài chính, theo Reuters. Việc các nhà máy đóng cửa đã làm giảm 10% sản lượng tấm pin mặt trời của châu Âu, bất chấp sự bùng nổ về năng lượng gió và mặt trời ở khu vực này.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, công suất năng lượng tái tạo, bao gồm cả mặt trời, đang tăng với tốc độ kỷ lục. Tuy nhiên, các nhà sản xuất địa phương bị đè bẹp bởi các tấm pin nhập từ Trung Quốc và Mỹ.

Để tìm đường tồn tại, các nhà sản xuất châu Âu đang "di cư" đến Mỹ, nơi Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 cho phép một số nhà sản xuất năng lượng tái tạo và nhà phát triển dự án hưởng ưu đãi thuế.

Meyer Burger có kế hoạch xây một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở Arizona và một nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Colorado. "Chúng tôi thực hiện bước đi táo bạo này khi không có bất kỳ sự hỗ trợ nào ở châu Âu", CEO Gunter Erfurt nói.

Tương tự, công ty pin Freyr dừng nhà máy đang xây dựng dở dang gần Vòng Bắc Cực (Na Uy) và tập trung vào kế hoạch xây dựng ở bang Georgia, Mỹ. Hồi tháng 2, họ thay đổi đăng ký kinh doanh từ Luxembourg sang Mỹ.

CEO Freyr Birger Steen cho biết đã dành nhiều thời gian cân nhắc để đảm bảo rằng việc chuyển sang Mỹ không phải là sai lầm. Cuối cùng, họ kết luận rằng phải rời đi vì Na Uy sẽ không có hỗ trợ nào về chính sách.

Trong khi đó, Bộ thương mại và công nghiệp Na Uy nói đã đưa ra khung chính sách công nghiệp nhắm vào các công nghệ chuyển đổi năng lượng nhưng không trực tiếp giải quyết các vấn đề về hỗ trợ tài chính cho các công ty.

Tại cuộc họp hôm 16/4, Hiệp hội Ngành năng lượng mặt trời châu Âu (Solar Power Europe) ra mắt một hiến chương tự nguyện để các chính phủ và các công ty ký kết nhằm ủng hộ các nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời.

Hiến chương kêu gọi người mua tấm pin mặt trời nên dùng hàng sản xuất nội địa nhưng không có tính bắt buộc. Michael Bloss, thành viên Nghị viện châu Âu đã khởi xướng một đơn thỉnh nguyện vào đầu tháng này, kêu gọi cứu những nhà sản xuất tấm pin mặt trời.

Ông vận động Ủy ban châu Âu thành lập một quỹ 200 triệu euro (213 triệu USD) để mua các tấm pin mặt trời tồn kho sản xuất tại châu Âu, nhưng không nhận được quan tâm. Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về việc này. "Chúng ta rất ủng hộ việc tự xây dựng ngành công nghiệp mặt trời nhưng lại không hành động", Bloss nói.

Vào tháng 2, Liên minh châu Âu thông qua Đạo luật Công nghiệp Khí hậu Thuần túy, bộ biện pháp bao gồm mục tiêu sản xuất đáp ứng 40% nhu cầu công nghệ sạch của khu vực vào năm 2030.

Tháng trước, EU cũng đã phê duyệt cho Đức chi gần 1 tỷ USD vốn hỗ trợ cho nhà sản xuất pin lithium-ion Northvolt (Thụy Điển) để xây một nhà máy sản xuất ở Đức, sau khi Northvolt dọa sẽ chuyển hoạt động sang Mỹ.

Đó là lần đầu tiên châu Âu sử dụng một biện pháp đặc biệt cho phép quốc gia thành viên can thiệp bằng viện trợ vốn cho doanh nghiệp. Nhưng giải pháp này hiện không được mở rộng do bất đồng chính trị về việc các quỹ nhà nước nên cứu trợ thế nào cho các doanh nghiệp khó khăn.

Một phát ngôn viên Ủy ban Châu Âu nói rằng Bộ kinh tế và khí hậu Đức nhận ra giải pháp viện trợ cho Meyer Burger sẽ không hợp pháp vì thiếu triển vọng thị trường. Các khách hàng tiềm năng - những nhà lắp đặt năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc - cũng đã phản đối bất kỳ khoản trợ cấp mới nào cho các nhà sản xuất địa phương, nói những động thái như vậy có thể gây tổn hại cho họ.

Ngoài ra, các nhà phân tích nói khó có thể thấy tính hữu ích khi hỗ trợ cho các công ty như Meyer Burger vì năng lực sản xuất của họ rất nhỏ so với những công ty ở Trung Quốc hoặc Mỹ. "Họ rất nhỏ nên sẽ luôn phải vật lộn về số lượng, không chỉ để cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc mà còn với các nhà sản xuất Mỹ", Eugen Perger, nhà phân tích cấp cao tại Research Partners nói.

Theo công ty tư vấn Rystad Energy, nếu các công ty Trung Quốc thực hiện đầy đủ các kế hoạch mà họ đã công bố thì sản lượng tấm pin mặt trời nước này tung ra sẽ nhiều gấp đôi so nhu cầu lắp đặt dự kiến trên toàn thế giới vào 2024.

Trở lại Freiberg (Đức), nhà máy vừa đóng cửa của Meyer Burger chỉ mới đi vào hoạt động hồi 2021, trên cơ sở tân trang lại nhà máy của một công ty năng lượng mặt trời bị phá sản. Thị trưởng Sven Krueger xác nhận nó từng là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất thị trấn.

Max Lange, 19 tuổi, thực tập sinh tại nhà máy nói đây là lần thứ hai ngành năng lượng mặt trời của Đức gặp rủi ro. "Họ đã thất bại một lần rồi. Nếu thêm lần nữa, tôi nghi ngờ về khả năng theo đuổi sự nghiệp trong ngành năng lượng mặt trời ở châu Âu vì tôi không nghĩ nó sẽ hồi sinh được", anh nói.

Phiên An (theo Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020