Chuyên mục  


"Cả hai hộp đen, gồm hộp dữ liệu hành trình bay và hộp ghi âm trong buồng lái, đã được thu hồi tại hiện trường vụ rơi máy bay. Các thiết bị đã được chuyển đến cơ sở nghiên cứu quân sự để giải mã", TASS ngày 22/4 dẫn thông báo từ một quan chức chính phủ Nga, đề cập đến việc chiếc oanh tạc cơ Tu-22M3 rơi ở tỉnh Stavropol vào cuối tuần qua.

Hộp đen buồng lái lưu trữ bản ghi âm mọi tiếng động trong buồng lái, thậm chí cả tiếng động cơ và âm thanh bật tắt công tắc của phi công. Hộp đen lưu trữ dữ liệu hành trình bay sẽ liên tục ghi lại các thông số của máy bay trong quá trình hoạt động, trong đó có tốc độ bay, độ cao, hướng bay và vị trí mũi máy bay hướng lên, hướng xuống hay cân bằng.

Quan chức Nga cho biết lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm thành viên thứ tư của phi hành đoàn.

Oanh tạc cơ Tu-22M3 của Nga rơi ở tỉnh Stavropol vào ngày 19/4. Ảnh: Ukrinform

Bộ Quốc phòng Nga hôm 19/4 thông báo chiếc oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 nước này rơi ở vùng Stavropol ở miền nam sau khi hoàn tất nhiệm vụ tác chiến và đang trở về căn cứ. Kíp bay nhảy dù thoát thân. Một người thiệt mạng, hai người bị thương được nhập viện, còn một người mất tích.

Điều tra ban đầu cho thấy máy bay rơi "do lỗi kỹ thuật". Video ghi lại sự việc cho thấy máy bay xoay nhiều vòng, động cơ bốc cháy và thân máy bay gần như luôn song song với mặt đất khi rơi.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine sau đó tuyên bố phòng không nước này đã phối hợp cùng Tổng cục Tình báo Quốc phòng (GUR) bắn hạ chiếc Tu-22M3 bằng tổ hợp S-200. GUR tuyên bố đã theo dõi đường bay của chiếc Tu-22M3 trong khoảng một tuần trước khi phát lệnh bắn. Đơn vị Ukraine phục kích khai hỏa ở khoảng cách 308 km, sau khi chiếc oanh tạc cơ Nga phóng tên lửa vào Ukraine. Chiếc Tu-22M3 bị hư hại sau đòn đánh, bay thêm một quãng đường rồi rơi trong Stavropol.

Dù Bộ Quốc phòng Anh cuối tuần qua cũng khẳng định chiếc Tu-22M3 bị bắn hạ bởi S-200 Ukraine, tuyên bố này đang chịu nhiều hoài nghi từ giới quan sát.

Vijainder K. Thakur, nhà phân tích quân sự và là cựu phi công không quân Ấn Độ, cho rằng chiếc Tu-22M3 nếu bị bắn bởi vũ khí phòng không sẽ rơi vào trạng thái mất kiểm soát và chúi mũi với vận tốc lớn, không xoay vòng như video mà các nhân chứng ghi lại.

"Máy bay phải giảm tốc trước khi rơi mới tạo ra hiện tượng xoay vòng. Phi hành đoàn có thể đã thoát khỏi máy bay khi nó đang ở độ cao rất lớn. Họ chỉ làm vậy khi nhận thấy không còn hy vọng kiểm soát tình hình. Động cơ máy bay ngừng hoạt động và bốc cháy có thể là hướng giải thích hợp lý nhất cho quyết định của phi hành đoàn", Thakur bình luận.

Tu-22M3 là mẫu oanh tạc cơ tầm xa mà Nga sở hữu nhiều nhất trong biên chế, có thể khai hỏa tên lửa siêu thanh Kh-22/32, đạn siêu vượt âm Kinzhal cũng như một số loại bom. Mẫu tên lửa này chủ yếu khai hỏa tên lửa Kh-22/32 tại chiến trường Ukraine, gây nhiều khó khăn cho phòng không đối phương.

Thanh Danh (Theo TASS, Eurasian Times)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020