Hội đồng Bảo An LHQ ngày 22/9 tiếp tục bàn về tình hình Ukraine theo lời kêu gọi từ Pháp, quốc gia đang giữ ghế chủ tịch. Cơ quan này đã họp ít nhất 20 lần về vấn đề trong năm nay nhưng chưa có động thái nào đáng chú ý. Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc là các quốc gia có quyền phủ quyết.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến họp muộn và phát biểu khoảng 20 phút. Ông bác bỏ các cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh, cho rằng Ukraine và phương Tây khiến xung đột xảy ra.
"Điều đặc biệt gây hoài nghi chính là quan điểm của các quốc gia đang bơm vũ khí, huấn luyện các binh sĩ Ukraine", ông Lavrov nói, cho rằng phương Tây làm vậy để "kéo dài cuộc chiến lâu nhất có thể, bất chấp có nạn nhân, để làm suy yếu Nga".
"Quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt là điều không thể tránh khỏi", Ngoại trưởng Lavrov bổ sung. Ông cáo buộc Kiev đe dọa an ninh của Moskva và "chà đạp trắng trợn" các quyền của người Nga, cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine. Ông rời đi sau khi phát biểu, không lắng nghe phần của các đại biểu còn lại.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York, Mỹ, ngày 22/9. Ảnh: AFP.
"Tôi thấy các nhà ngoại giao Nga hôm nay rút đi như các lực lượng Nga vậy", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói. "Những lời dối trá từ các nhà ngoại giao Nga khá phi thường".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev tự vệ. "Trật tự thế giới mà chúng ta có mặt ở đây để duy trì đang bị hủy hoại ngay trước mắt chúng ta. Chúng ta không thể để Tổng thống Putin thoát trách nhiệm", ông Blinken nói. "Người chọn bắt đầu cuộc chiến cũng là người có thể kết thúc nó. Nếu Nga dừng lại, chiến tranh kết thúc. Nếu Ukraine dừng chiến đấu, Ukraine kết thúc".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York, Mỹ, ngày 22/9. Ảnh: AFP.
Hội đồng Bảo an họp một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ban lệnh điều động để triệu tập lực lượng dự bị, phục vụ chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ông chủ Điện Kremlin còn cáo buộc phương Tây "tống tiền hạt nhân" nhằm vào Nga và khẳng định nước này sẽ sử dụng mọi biện pháp có sẵn để bảo vệ chủ quyền.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói một cuộc xung đột hạt nhân là điều "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Ông cũng bày tỏ lo ngại về việc 4 khu vực ở Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập Nga.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói ưu tiên lúc này là nối lại đối thoại vô điều kiện và các bên cần kiềm chế, không leo thang căng thẳng.
"Lập trường của Trung Quốc về Ukraine rất rõ ràng. Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia cần được tôn trọng và những lo ngại hợp lý về an ninh của mọi quốc gia cần được xem xét nghiêm túc", theo ông Vương.
Như Tâm (Theo Reuters, FT)