Chuyên mục  


"Tôi có thể xác nhận rằng Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM) mang tính thử nghiệm, được phát triển dựa trên thiết kế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-26 Rubezh. Mỹ đã được Nga báo trước về vụ phóng thông qua các kênh liên lạc giảm nguy cơ xung đột hạt nhân", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết hôm 21/11.

Phát biểu được bà Singh đưa ra khi bình luận về thông tin Nga phóng tên lửa đạn đạo thế hệ mới nhằm vào thành phố Dnipro, miền trung Ukraine, rạng sáng cùng ngày.

Phát ngôn viên Singh trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hồi năm 2023. Ảnh: AFP

Tổng thống Vladimir Putin cho biết cuộc tấn công sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn siêu vượt âm phi hạt nhân Oreshnik, một trong những vũ khí mới nhất của Nga, và nhấn mạnh đó là động thái trả đũa việc Ukraine dùng tên lửa ATACMS, Storm Shadow do phương Tây viện trợ để tấn công tỉnh Kursk và Bryansk.

Quan chức Lầu Năm Góc nói tên lửa Nga tập kích Ukraine mang đầu đạn thông thường, nhưng cảnh báo rằng Moskva có thể thay đổi đầu đạn khác nếu cần. "Nó có khả năng mang những loại vũ khí thông thường và hạt nhân khác nhau", bà cho hay.

Đề cập phát biểu của ông Putin rằng nước này có thể "tấn công mục tiêu ở những quốc gia cung cấp vũ khí cho các cuộc tập kích vào lãnh thổ Nga", phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói rằng Washington chưa phát hiện thay đổi nào trong trạng thái hạt nhân của Moskva.

"Chúng tôi chưa thấy họ điều chỉnh trạng thái hạt nhân, đổi lại Mỹ cũng không thay đổi trạng thái của mình. Chúng tôi từng thấy những phát biểu quyết liệt tương tự từ ông Putin. Điều cần tập trung lúc này là duy trì hỗ trợ Ukraine và cung cấp những gì họ cần", bà Singh cho hay.

Trong cuộc họp báo cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng Mỹ đã duy trì liên lạc với Ukraine và các đồng minh trong những ngày gần đây, nhằm giúp họ chuẩn bị cho khả năng Nga tập kích tên lửa đạn đạo nhằm vào quốc gia láng giềng.

Các quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên trước đó xác nhận Nga đã phóng mẫu tên lửa đạn đạo chưa từng được triển khai, nhận định Moskva chỉ sở hữu số lượng nhỏ tên lửa loại này do chúng vẫn mang tính thử nghiệm.

khoanh-khac-dau-dan-icbm-nga-lao-xuong-thanh-pho-ukraine-1732189585.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ldGlWg2FGvFoqvjRpZkLjw
Khoảnh khắc 'đầu đạn ICBM Nga' lao xuống thành phố Ukraine

Khoảnh khắc đầu đạn tên lửa Nga lao xuống thành phố Dnipro sáng 21/11. Video: X/Gerashchenko_en

Không quân Ukraine hôm 21/11 cáo buộc Nga tấn công doanh nghiệp và hạ tầng thiết yếu ở thành phố Dnipro bằng một quả ICBM, một tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và 7 tên lửa hành trình tầm xa Kh-101. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó tuyên bố "mọi thông số như độ cao và tốc độ của đầu đạn đều khớp với ICBM".

Giới chức Anh, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) nói rằng chưa thể xác thực thông tin do Ukraine đưa ra.

Trong bài phát biểu tối 21/11, Tổng thống Putin tuyên bố Oreshnik có thể lao đến mục tiêu với tốc độ tối đa 3 km/s, gấp 10 lần âm thanh. "Các hệ thống phòng thủ hiện có trên toàn cầu, bao gồm cả lá chắn được Mỹ triển khai ở châu Âu, không thể chặn loại đầu đạn này", ông nói.

Ông cũng cảnh báo rằng mục tiêu trong những đợt thử nghiệm tên lửa tối tân tiếp theo sẽ được chọn "dựa trên mức độ đe dọa với an ninh quốc gia của Nga", đồng thời cam kết sẽ phát cảnh báo trước để dân thường Ukraine và công dân các nước thân thiện với Nga kịp sơ tán khỏi vòng nguy hiểm.

Vũ Anh (Theo Reuters, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020