Chuyên mục  


Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo dự thảo luật, Chính phủ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml (nước ngọt). Mức thuế dự kiến là 10%.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường 5gram/100 ml cần phải nhìn sâu xa và tác động đến sức khỏe để điều chỉnh phù hợp. Bởi theo ông, đồ uống có đường không hoàn toàn hại cho sức khỏe. "Tôi đi làm về mệt mỏi, có một cốc nước ngọt vào là tỉnh táo lại ngay. Đâu phải cứ đồ có đường là hại", ông nêu vấn đề.

Bởi vậy, đại biểu nhìn nhận cần có mức thuế phù hợp, tùy thuộc vào hàm lượng đường trong đồ uống để giúp điều chỉnh thói quen tiêu thụ đồ có đường, tăng thu thuế. Ông đề xuất có 3 mức thuế cho đồ uống có cồn ở hàm lượng 3-5 gram/100 ml; 5-15 gram/100 ml và trên 15 gram/100 ml.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh: Media Quốc hội

Hiện nhiều quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo hàm lượng đường trong nước ngọt. Chẳng hạn, Thái Lan có nhiều mức thuế, đồ uống có hàm lượng đường 6-8 gram/100 ml chịu một thuế suất; 9-13 gram/100 ml áp mức thuế khác và trên 14 gram/100 ml chịu thuế cao hơn.

Ở khía cạnh này, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Bến Tre cũng đề nghị cần định nghĩa rõ nước giải khát là nước gì, có gồm nước trái cây, rau quả hay nước uống để giải khát. Ông Sơn dẫn chứng 200.000 nông dân và 100 doanh nghiệp xuất khẩu dừa tại Bến Tre lo lắng, việc chưa có khái niệm rõ ràng về loại đồ uống này khiến họ không rõ sản phẩm nước dừa chế biến có trong diện chịu thuế hay không.

"Việc đưa ra cùng một mức thuế chung như dự thảo luật với nước ngọt là chưa phù hợp, ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp", ông Sơn nói.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Phó ban Dân nguyện). Ảnh: Media Quốc hội

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế WHO, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thừa cân, béo phì tăng nhanh trong những năm qua. Tại Việt Nam, cứ 4 người độ tuổi 15-19 thì có một bị thừa cân, béo phì.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó ban Dân nguyện một chai nước tăng lực trên thị trường dung tích 350 ml có 64,5 gram đường. Trong khi theo khuyến cáo của tháp dinh dưỡng, lượng đường người trưởng thành dung nạp một ngày nên dưới 25 gram và trẻ em 3-11 tuổi dưới 15 gram. "Chúng ta uống một chai nước tăng lực tức là dung nạp gấp đôi lượng theo khuyến cáo về sức khỏe", bà nói.

Tuy nhiên về mức đánh thuế, bà Nhị Hà đề nghị Chính phủ cân nhắc để đảm bảo giải trình logic và đồng thuận của doanh nghiệp và người dân. Bà đặt câu hỏi tại sao lại lựa chọn tỷ lệ 5 gram/100 ml mà không phải tỷ lệ khác. Các loại sản phẩm đồ uống sử dụng đường tự nhiên từ hoa quả có bị áp thuế này không. Báo cáo tác động của Chính phủ chưa chứng minh cụ thể bằng chứng khoa học của đề xuất này.

Trước đó, đề xuất áp thuế với nước ngọt nhận được ủng hộ từ các tổ chức quốc tế. Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, giá bán lẻ tăng 5% khi nước ngọt chịu thuế suất 10%.

Song, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý mức tăng này là "khiêm tốn", ít tác động giảm tiêu thụ của người tiêu dùng. Họ khuyến nghị Bộ Tài chính đưa ra lộ trình tăng thuế đến 2030 để giá các sản phẩm nước ngọt tăng 20% do thuế. Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng để tăng giá 20%, thuế suất áp dụng cần ở mức 40% hoặc thuế tuyệt đối 7.000 đồng trên một lít.

Đại biểu Dương Minh Ánh. Ảnh: Media Quốc hội

Ngược lại, bà Dương Minh Ánh, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục lo ngại chính sách này không làm tăng thu ngân sách mà tác động tiêu cực chung tới nền kinh tế. Dẫn một số nghiên cứu, bà nói mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với mặt hàng này sẽ giúp tiền thu được năm đầu tiên tăng khoảng 8.500 tỷ đồng, nhưng ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm hơn 2.150 tỷ.

Những năm tiếp theo thu ngân sách từ thuế gián thu và trực thu đều sụt giảm. Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, lợi nhuận nên nguy cơ làm hạ tổng nguồn thu ngân sách ở những chu kỳ sau.

Bà Ánh đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ cơ sở chứng minh việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng 5 gram/100ml có thể thay đổi hành vi người tiêu dùng và đạt được hiệu quả cho việc giảm tỷ lệ người thừa cân béo phì so với bánh, kẹo, ô mai...

"Nhiều nước đánh thuế đồ uống có đường nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì lại tăng lên", bà Ánh lo ngại, cho rằng tăng thuế nước ngọt có thể gia tăng việc tiêu thụ đồ uống không chính thức hoặc sản phẩm sản xuất thủ công.

Chưa kể, hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chuyển sang các sản phẩm đồ uống ít đường hàm lượng dưới 5 gram, nhưng vẫn có độ ngọt sẽ không phải chịu thuế. "Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với doanh nghiệp trong nước, tạo sự bất bình đẳng với công ty nước ngoài, chưa nên áp dụng thuế này với nước giải khát có đường", bà Ánh đề nghị.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) vào ngày 28/11.

Sơn Hà - Anh Minh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020