Chuyên mục  


Nông nghiệp tái sinh là cách canh tác nhằm cải thiện sức khỏe đất cũng như bảo vệ nguồn nước, đa dạng sinh học. Đất khỏe hơn, có khả năng chống chịu tốt hơn trước tác động của biến đổi khí hậu, giúp tăng năng suất cây trồng.

Nhìn thấy điều này, từ năm 2011, chương trình Nescafé Plan đã triển khai thí điểm tại ba tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng và Đăk Nông. Chương trình tiếp tục mở rộng sang các khu vực trồng cà phê trọng điểm tại Tây Nguyên, gồm Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng từ năm 2015. Các nông dân nơi đây được thực hành nông nghiệp tái sinh với ba trọng tâm: bảo tồn đất và sức khỏe của đất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tính đa dạng sinh học.

Qua 13 năm, nông nghiệp tái sinh thay đổi ngành trồng cà phê với hơn 21.000 nông hộ tiếp cận và thực hiện canh tác theo bộ tiêu chí 4C, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và thu nhập lên nhiều lần.

Giảm 20% phân bón, gấp rưỡi sản lượng

Theo ông Phạm Phú Ngọc, Quản lý chương trình Nescafé Plan tại Việt Nam, mô hình canh tác mới đem lại lợi ích "4 trong 1".

Theo cách truyền thống, trước canh tác cà phê người nông dân thường làm sạch cỏ, dọn sạch lá cành rụng mang ra ngoài bờ lô cà phê đốt. Với sự hướng dẫn và hỗ trợ từ các kỹ sư nông nghiệp của Nescafé Plan, người nông dân không cần tốn công đưa cành lá ra ngoài mà rải đều trên mặt đất để chúng phân hủy thành phân hữu cơ. Với các thực hành bảo vệ đất, Nescafé Plan giúp người nông dân giảm được lượng phân hóa học bón cho cây cà phê tới 20%.

Người nông dân cũng được hướng dẫn giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật bằng cách khoanh vùng, chỉ xịt ở những chỗ sâu bệnh, thay vì xịt tràn lan để "đề phòng" như trước.

"Nhờ tham gia chương trình, chúng tôi có thể tiết kiệm 40% lượng nước tưới cho cây cà phê", ông Nguyễn Văn Minh, nông dân tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk chia sẻ.

Thay vì tưới nước tràn lan như trước, ông Minh biết đến cách tưới nước vừa đủ nhu cầu của mỗi cây cà phê. Đơn cử, kỹ thuật đặt vỏ ống bơ tại ngã tư giữa 4 cây cà phê có thể đo gần đúng lượng nước mỗi gốc nhận được sau một trận mưa. Nếu nước đầy 2/3 ống bơ, có nghĩa một cây nhận được 400 lít nước, đủ dùng trong 20 ngày không cần tưới. Nếu nước đầy 1/3, mỗi cây thu về 200 lít thì cần tưới thêm 200 lít.

Một cách khác là cắt đôi vỏ chai nhựa đựng nước, úp ngược phần đáy xuống đất. Nếu qua một đêm thấy có những giọt nước đọng trên đáy chai có nghĩa cây vẫn còn có thể hút nước dưới các tầng đất và chưa cần tưới.

Ông Dương Thanh Sâm, nông dân tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: Nestlé

Canh tác nông nghiệp theo hướng tái sinh cũng giúp tăng hiệu quả nông trại nhờ trồng xen cà phê với các cây khác theo mật độ và khoảng cách phù hợp để không cạnh tranh dinh dưỡng lẫn nhau. Đó cũng là lý do mà trong vườn cà phê của nhiều nông dân Nescafé Plan có cây bơ, cây tiêu. Trồng rừng bao quanh các lô cà phê, trồng cây chắn gió, che bóng mát cho cà phê cũng là những thực hành giúp bảo vệ đa dạng sinh học.

Ông Ngọc cho biết, khi tái canh cà phê, nhiều nông dân rất sợ con tuyến trùng hại rễ cà phê. Việc trồng các cây rừng - nhất là cây muồng làm cột cho hồ tiêu leo xen giữa các hàng cà phê đã giải quyết được vấn đề này. Vì lúc đó, tuyến trùng đã có môi trường sống mà nó ưa thích, nên không còn "màng" tới cây cà phê, còn cây muồng dù bị tuyến trùng ký sinh vẫn phát triển tốt.

Tăng sản lượng là kết quả nổi bật nhất của mô hình nông nghiệp tái sinh. Trước đây, các hộ thường chỉ đạt sản lượng khoảng 2 -2,5 tấn cà phê nhân/ha. Sau khi tham gia chương trình nông nghiệp tái sinh, sản lượng tăng lên khoảng 3,5 tấn/ha. Nhiều hộ nông dân chia sẻ, sau khi tái canh vườn cà phê, lợi nhuận từ mỗi ha tăng hơn hai lần. Còn theo ước tính của Nescafé Plan, trung bình thu nhập của nông dân tăng 30-150% nhờ áp dụng các mô hình xen canh hợp lý.

Chị Nguyễn Thị Lan, cũng ở xã Ea Tiêu, nhớ lại trước đây thu hoạch cà phê xong, bố mẹ thường cất lâu ngày trong bao khiến hạt cà khi đem bán không đẹp, bị thâm đen, nên hay bị ép giá. Nhờ Nescafé Plan, chị biết, cà phê sau khi thu hái về thì cần phơi ngay. Chị cũng biết cách bảo quản khi cà phê đã khô để tránh giảm chất lượng sản phẩm: không bảo quản cà phê gần các khu vực có mùi lạ hoặc các loại nông sản khác để giữ được hương vị. Ngoài ra, cà phê khi bảo quản trong kho cần đặt cách mặt đất và cách tường để tránh bị ẩm mốc.

Tất cả những thực hành nông nghiệp tái sinh dựa trên các nghiên cứu khoa học được Nescafé Plan chia nhỏ và hướng dẫn người nông dân dần dần qua các buổi tập huấn, phù hợp với từng thời điểm canh tác. Ví dụ, bắt đầu mùa mới, nông dân được các hướng dẫn làm cỏ. Khi cây đơm bông - cũng là mùa khô, họ được hướng dẫn cách tưới nước. Vào mùa thu hoạch là các hướng dẫn liên quan đến bảo quản, chế biến.

Chị Nguyễn Thị Lan, nông dân trồng cà phê tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: Nestlé

Song song đó, Nescafé Plan cũng chú trọng nghiên cứu và phát triển các giống cà phê cho năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh, kháng hạn thông qua việc hợp tác với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây nguyên WASI. Chị Lan cho biết, khi tái canh, các nông dân tham gia Nescafé Plan được mua giống cây với giá rẻ hơn WASI bán đại trà cho nông dân, đồng thời còn được Nestlé tài trợ một số tiền nhất định (hiện nay là 1.000 đồng/cây giống).

Kết nối tạo giá trị bền vững

Mang lại giá trị bền vững cho người trồng cà phê, cho cộng đồng và cho hành tinh chính là mục tiêu của Nestlé khi triển khai Nescafé Plan từ năm 2010 tại hơn 10 quốc gia thuộc các khu vực trồng cà phê trọng điểm trên thế giới.

Tính đến nay, sau 13 năm được triển khai tại Việt Nam, chương trình đã giúp hơn 21.000 hộ nông dân tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo bộ tiêu chí 4C. 4C là viết tắt của The Common Code For The Coffee Community (Chương trình cà phê sản xuất phù hợp với bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê), một trong những tiêu chuẩn để đưa được cà phê vào thị trường châu Âu.

Chương trình đã hỗ trợ cây giống cho trung bình 15.000 nông dân mỗi năm (giai đoạn 2011-2023), tái canh hơn 74.000 ha diện tích cà phê già cỗi thông qua phân phối cây cho năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh.

Nescafé Plan đã phát triển công cụ quản lý nông hộ số giúp nông dân trong chương trình quản lý hiệu quả hơn hoạt động canh tác. Với ứng dụng phần mềm FARMS và FFB (Nhật ký Nông hộ số) trên điện thoại di động, nông hộ có thể tìm hiểu các kỹ thuật canh tác, tự tính chi phí đầu tư vào một mùa cà phê cũng như tính được phần lợi nhuận của mình.

Người trồng cà phê sử dụng phần mềm FARMS và FFB (Nhật ký Nông hộ số). Ảnh: Nestlé

Một lý do khác khiến nhiều nông dân gắn bó với Nescafé Plan chính là họ được mở mang tầm mắt thông qua các chuyến thăm mô hình vườn thành công ở các xã, huyện, thậm chí tỉnh khác. Những nông dân ưu tú còn được vinh danh mỗi năm và được đi thăm nhà máy chế biến cà phê của Nestlé. "Tôi cảm thấy tự hào khi biết những hạt cà phê mình trồng đã được chế biến để đi khắp thế giới", ông Dương Thanh Sâm, nông dân tại xã Ea Tiêu chia sẻ.

Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Đăk Lăk nhận xét, chương trình hướng người nông dân sản xuất theo hướng nông nghiệp tái sinh, giảm phát thải khi mục tiêu của Nestlé phù hợp với định hướng của tỉnh và Việt Nam hiện nay. Chương trình đã nâng cao vai trò của người nông dân trong sản xuất thực hành nông nghiệp tốt. Nhờ đó, người nông dân vừa tăng thu nhập từ cây cà phê, vừa nâng cao sức khỏe bản thân. Sức khỏe của đất trồng cũng tốt hơn. "Điểm nhấn của chương trình là đào tạo rất cơ bản, lấy nông dân đào tạo nông dân", ông Hiển nói.

Theo thông tin từ Nestlé Việt Nam, hàng năm, doanh nghiệp này thu mua 20-25% sản lượng cà phê của Việt Nam để chế biến sâu phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm cà phê của Nestlé Việt Nam đã xuất khẩu sang gần 30 nước và khu vực trên thế giới.

Hoàng Anh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020