Chuyên mục  


"Thay đổi phi thường" là mô tả của The Guardian về Trung Quốc trong một thập kỷ qua xét trên nhiều phương diện. Và một trong số những thành tựu lớn của nước này chính là phát triển kinh tế.

Cách đây một thập kỷ, vào năm 2011, GDP của Trung Quốc là 7.300 tỷ USD. Đến năm ngoái, quy mô đã tăng hơn gấp đôi, lên trên 17.700 tỷ USD. Chỉ tính riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đóng góp đến 86% sản lượng kinh tế.

Trên thực tế, động lực kinh tế của Trung Quốc luôn đi trước. Từ năm 2013 đến năm 2021, nền kinh tế này tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 6,6%, cao hơn trung bình toàn cầu là 2,6%. Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho biết trong giai đoạn 2013-2021, đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt trung bình 38,6%, cao hơn mức của các nước G7 cộng lại.

Quy mô GDP Trung Quốc từ 2010 đến 2021. Đơn vị: nghìn tỷ USD. Đồ họa: CGTN

Thu nhập bình quân ở Trung Quốc cũng đã tăng gấp đôi trong thập niên qua. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người là 5.910 USD vào năm 2012 và tăng đều đặn lên 11.890 USD vào năm 2021. Với kết quả đó, sau một thập niên, Trung Quốc từ hạng 112 đã cải thiện lên thứ 68, trong xếp hạng của World Bank.

Thu nhập khả dụng trung bình cũng đã tăng trong thời gian đó, từ 16.241 nhân dân tệ (2.599 USD) vào năm 2012 lên 33.172 nhân dân tệ vào năm 2021. Năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố đã đạt được mục tiêu xóa nghèo tuyệt đối, như một phần của mục tiêu mang lại sự thịnh vượng chung cho tất cả người dân.

Đồng thời, tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức thấp (trung bình 4% trong thập kỷ qua) cho thấy lợi ích của tăng trưởng kinh tế đã được chuyển đến người dân dưới dạng giá cả tiêu dùng phải chăng và sinh kế bền vững.

Những thành tựu đáng kể này khó có thể đạt được nếu không có một cơ cấu kinh tế tốt hơn và tăng trưởng đồng bộ hơn. Giá trị gia tăng của lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tăng từ 16.980 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.370 tỷ USD) vào năm 2012 lên 31.400 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4.370 tỷ USD) vào năm 2021, chiếm gần 30% tổng giá trị toàn cầu, tăng từ 22,5%.

Để có được điều này, họ đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ, hạ tầng, và mở cửa nền kinh tế. Chi tiêu cho R&D của Trung Quốc năm 2021 gấp 4 lần so với con số năm 2010. Những nỗ lực này cũng được phản ánh trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu mà họ xếp thứ 11 vào năm 2022.

Từ độ sâu của không gian đến đại dương, Trung Quốc cũng đã có những bước nhảy vọt đáng kể. Họ xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình, phóng các tàu thăm dò lên mặt trăng, sao hỏa, phát triển các máy bay thương mại C919, tàu lặn dưới biển sâu và siêu máy tính.

Trong khi đó, hạ tầng cũng phát triển vũ bão. Từ mạng lưới đường hàng không, đường sắt và đường cao tốc đến một loạt các địa điểm dịch vụ công cộng, Trung Quốc đã bắt tay vào một loạt các dự án cơ sở hạ tầng trong suốt thập kỷ qua.

Một trong những điểm nổi bật trong đó là mạng lưới đường sắt tốc độ cao, đã mở rộng gấp bảy lần. Nước này cũng chứng kiến việc xây dựng gần 70 sân bay mới và khoảng một triệu km đường cao tốc.

Với hội nhập quốc tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của hơn 140 quốc gia và khu vực, dẫn đầu thế giới về tổng khối lượng thương mại hàng hóa. Họ có hơn 200 thỏa thuận hợp tác được ký kết trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Với các chuyến tàu hàng Trung Quốc - châu Âu, nước này đóng vai trò không thể thay thế trong chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.

Cùng với đó, họ đã thực hiện một loạt các bước cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh như ban hành Luật Đầu tư nước ngoài và mở rộng khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài. Sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm 2021 đạt 1.150 tỷ nhân dân tệ (khoảng 160 tỷ USD), tăng 62,9% so với năm 2012.

Ngoài ra, vị thế của đồng nhân dân tệ được củng cố trong thanh toán quốc tế. Năm 2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đưa nhân dân tệ vào giỏ SDR như một loại tiền tệ thứ năm, nâng cao vai trò của Trung Quốc như một động lực kinh tế toàn cầu.

Theo Fu Xiaolan, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ và Quản lý tại Đại học Oxford, phương pháp tiếp cận "sử dụng sự kết hợp giữa nhà nước và thị trường để thúc đẩy đổi mới, và đã tích hợp đất nước vào hệ thống đổi mới toàn cầu".

Năm ngoái, GDP Trung Quốc chiếm 18,5% nền kinh tế thế giới, tăng 7,2 điểm phần trăm trong 10 năm qua, và thương mại hàng hóa nước ngoài của nước này chiếm 13,5% tổng kim ngạch thế giới.

Mới tuần trước, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố GDP nền kinh tế lớn nhì thế giới tăng 3,9% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơn dự báo của các nhà phân tích trong khảo sát của Reuters là 3,4%.

Khi những thách thức từ Covid-19 đang gặm nhấm, xung đột địa chính trị dai dẳng, lạm phát leo thang và việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ, thành tích của Trung Quốc không chỉ chứng minh khả năng phục hồi kinh tế của chính họ mà còn góp phần củng cố cho nền kinh tế thế giới.

Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: VCG

Bản kế hoạch sâu rộng của Trung Quốc được giới thiệu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 đã khiến các nhà quan sát lạc quan hơn về tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bản kế hoạch nêu ra triết lý phát triển mới trên mọi mặt, tiếp tục cải cách để phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy mở cửa tiêu chuẩn cao. Đồng thời, đẩy mạnh hình thức phát triển mới tập trung vào kinh tế trong nước và có sự tác động qua lại tích cực giữa các luồng kinh tế trong nước và quốc tế.

"Để xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt, trước hết, chúng ta phải theo đuổi phát triển chất lượng cao", Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu hôm 16/10 tại sự kiện.

Là một phần của các mục tiêu phát triển tổng thể cho năm 2035, nước này đặt mục tiêu "xây dựng một nền kinh tế hiện đại hóa, hình thành một mô hình phát triển mới và về cơ bản đạt được công nghiệp hóa, thông tin hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp".

Ông Tập Cận Bình định hướng đưa Trung Quốc trở thành quốc gia phát triển ở mức trung bình trong thập kỷ tới, điều này ngụ ý rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 5% mỗi năm, theo Financial Times.

"Để theo đuổi tăng trưởng kinh tế, chúng ta phải tiếp tục tập trung vào nền kinh tế thực. Chúng ta sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa mới và tiến nhanh hơn để thúc đẩy sức mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, chất lượng sản phẩm, hàng không vũ trụ, giao thông vận tải, không gian mạng và phát triển kỹ thuật số", ông Tập nói.

Song song đó, trong giai đoạn tiếp theo, Trung Quốc cam kết thúc đẩy mở cửa tiêu chuẩn cao, tạo ra mối quan hệ hợp tác với cộng đồng quốc tế. Oh Ei Sun, Cố vấn chính của Trung tâm Nghiên cứu Thái Bình Dương (Malaysia), cho biết "cam kết thúc đẩy mở cửa tiêu chuẩn cao" của Trung Quốc là tích cực với phần còn lại của thế giới, khi các quốc gia đang cố gắng phục hồi sau đại dịch.

Được hướng dẫn bởi một triết lý phát triển mới đề cao sự đổi mới, phối hợp, xanh, cởi mở và chia sẻ, nền kinh tế Trung Quốc đã chuyển từ tăng trưởng nhanh sang phát triển chất lượng cao, cho thấy những đặc điểm độc đáo và khả năng phục hồi của nền kinh tế này, theo Pan Xiangdong, Cựu kinh tế trưởng của China Galaxy Securities, Nhà kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu QiLai.

Còn theo đánh giá Sergei Lukonin, Trưởng khoa Chính trị và Kinh tế Trung Quốc tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nền kinh tế Trung Quốc sẽ "khá ổn định trong dài hạn."

Lạc quan về triển vọng kinh tế của Trung Quốc trong trung và dài hạn, Borge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho biết tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm tới "có tầm quan trọng thiết yếu không chỉ với chính họ mà cả với các nước còn lại của thế giới".

Phiên An (theo Xinhua, CGTN, The Guardian)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020