Chuyên mục  


Chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP HCM cùng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày càng sôi động hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp trong sinh viên

Tỉ lệ sinh viên nắm bắt thông tin về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày càng gia tăng. Song, hầu hết sinh viên các trường đại học, cao đẳng còn gặp nhiều khó khăn trong việc biến các ý tưởng khởi nghiệp thành dự án khả thi.

Ít dự án thành công

Tại một sự kiện về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở TP HCM cuối năm 2024, anh Trịnh Công Qui, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Q GREEN, tự tin giới thiệu các sản phẩm thực phẩm, làm đẹp và bao bì sinh học sử dụng nguyên liệu chính là trái cam sành đến đông đảo đại biểu.

Qui cho biết hầu hết sản phẩm của Q GREEN đã thương mại hóa thành công, đang bán ở kênh trực tiếp và thử nghiệm trên sàn thương mại điện tử. Năm 2022, nhóm gồm 5 thành viên là sinh viên Khoa Dược Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Khoa Hóa Trường Đại học Công Thương (trước đây là Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM) bắt đầu bằng dự án sản xuất tinh dầu cam sành. Tiếp đó, từ năm 2022-2024, nhiều sản phẩm khác như nước sát khuẩn, mỹ phẩm dưỡng da/dưỡng tóc, trà, sữa chua sấy thăng hoa, bao bì sinh học… từ nước ép lẫn vỏ cam sành lần lượt ra đời và một số sản phẩm đã có lợi nhuận.

Năm 2022, nhóm này thành lập doanh nghiệp (DN). Đây là 1 trong 2 DN của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được thành lập trong năm đó. Với sự hỗ trợ tích cực của nhà trường và các giảng viên trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm, DN đã từng bước đặt nền móng cho việc tối ưu hóa giá trị trái cam sành.

Q GREEN là một trong số ít DN của sinh viên phát triển thành công trong giai đoạn 5 năm đầu khởi nghiệp (start-up). Mới đây, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm TP HCM công bố kết quả khảo sát với hơn 2.024 sinh viên các ngành đào tạo giáo viên của trường về khởi nghiệp và giáo dục khởi nghiệp. Kết quả cho thấy 1.946 sinh viên (hơn 96%) trả lời có biết về khái niệm "khởi nghiệp"; 1.416 sinh viên (khoảng 70%) trả lời có biết về khái niệm "giáo dục khởi nghiệp".

Hơn 57% sinh viên tham gia khảo sát nêu trên cho biết có nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu khởi nghiệp trong tương lai sau khi ra trường. Đáng chú ý, có đến 36,6% sinh viên chưa đưa ra quyết định và hơn 5% không có ý định về việc sẽ khởi nghiệp trong tương lai.

Theo nhóm nghiên cứu, phần lớn sinh viên tham gia khảo sát đã tìm hiểu, nắm bắt thông tin về lĩnh vực khởi nghiệp, giáo dục khởi nghiệp tại nhà trường. Tuy nhiên, họ gặp không ít khó khăn trong việc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo do thiếu kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; thiếu môi trường, mạng lưới kết nối, thiếu nguồn lực thực hiện các dự án.

11-z6243748041562c1a24854c75d257309ccfd2bc61a4c2e-17372900051801409198676-1737340059674-17373400614551707539850.jpg

Sản phẩm bao bì sinh học làm từ vỏ cam sành của Công ty Q GREEN đã được thương mại hóa thành công

Cần hỗ trợ thêm

Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC), cho biết những năm gần đây, một số trường ở TP HCM như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật… đã xây dựng vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp. Nhiều cuộc thi về khởi nghiệp dành cho sinh viên quy mô cấp trường, thành phố, quốc gia, quốc tế cũng được tổ chức, tạo sân chơi và điều kiện giao lưu, cọ xát thực tế cho các start-up sinh viên.

Tuy nhiên, số lượng dự án của sinh viên tiếp tục được triển khai sau các cuộc thi, các chương trình ươm tạo của nhà trường không nhiều. Do đó, sinh viên cần sự hỗ trợ của giảng viên, người dẫn dắt… các chương trình khởi nghiệp ở các vườn ươm về ý tưởng mới, sản phẩm mới có tính thị trường, có thể phát triển thành dự án cụ thể.

Có hơn 10 năm gắn bó với phong trào khởi nghiệp của sinh viên, bà Diệu Hằng chỉ ra thực tế sinh viên hiện nay có lợi thế vì tiếp xúc được rất nhiều thông tin và có nhiều kênh để học hỏi, nhiều cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, đây cũng là điều hạn chế bởi khi lượng thông tin quá nhiều có thể gây nhiễu, khiến sinh viên thiếu tập trung, ít kiên trì theo đuổi dự án đến cùng.

TS Trần Hữu Đức, Giám đốc đào tạo Quỹ Trung Nguyên Legend - với kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực quản trị và tư vấn nguồn nhân lực, cho hay Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng DN khởi nghiệp. Dù vậy, có đến 95% - 97% DN "rơi rụng" trong 5 năm đầu start-up.

Trong rất nhiều buổi nói chuyện với sinh viên các trường đại học, TS Đức nhấn mạnh: Các bạn trẻ muốn khởi nghiệp phải dựa vào nhiều yếu tố. Trong đó, phải biết rõ mình là ai, thế mạnh, nguồn lực, đam mê… và giá trị cá nhân của mình.

Ông Đức nhìn nhận: "Việc khởi nghiệp không chỉ cần đến lòng đam mê và sự kiên trì mà còn phải tận dụng sức trẻ, sự hỗ trợ từ các chương trình học, công nghệ, thông tin… Việc đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để cạnh tranh là rất cần thiết".

Ông Đức lưu ý start-up phải tính toán, chuẩn bị và quản trị rủi ro trong những tình huống thất bại. "Khởi nghiệp cũng như học bơi. Muốn biết bơi, bạn phải mạnh dạn nhảy xuống hồ với thầy (là giảng viên, người hướng dẫn…) đứng kế bên. Nếu bạn bị sặc nước, thầy sẽ kéo mình lên" - TS Đức ví von. 

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM hỗ trợ rất nhiều cho các trường và các cơ sở ươm tạo dành cho sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp, nhất là hỗ trợ tài chính cho các dự án.

Chính sách này tạo sân chơi và hỗ trợ tốt hơn cho phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Vì vậy, trong vài năm nữa, kỳ vọng việc khởi nghiệp trong sinh viên sẽ sôi nổi hơn, chất lượng hơn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020