Chuyên mục  


base64-16800630474272000119562.png

Ngành xây dựng công nghiệp gặp khó khăn do thị trường giảm, lãi suất cao và đơn hàng giảm. Trong ảnh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tìm hiểu thực tế sản xuất tại Tập đoàn Đại Dũng - Ảnh: NGỌC HIỂN

Mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, có những gam màu sáng khi kim ngạch xuất khẩu tăng ấn tượng, thu hút FDI có nhiều triển vọng, số doanh nghiệp trở lại kinh doanh tăng và thu ngân sách vượt kế hoạch nhưng không ít ngành sản xuất ở TP.HCM đang sụt giảm doanh số. 

Đây là thực trạng được chỉ ra trong báo cáo tình hình doanh nghiệp tháng 3 và quý I năm 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa gửi UBND TP.HCM.

Doanh nghiệp sản xuất khó trăm bề

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giảm trên 8% so với cùng kỳ. Khó khăn phổ biến của các doanh nghiệp ngành này là thiếu hụt dòng tiền, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu. 

Do vậy, từ giữa năm 2022 đến nay các doanh nghiệp không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với doanh nghiệp của ngành dệt may.

Trong khi đó, ngành cơ khí điện có tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50% hay đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ giảm từ 30-40%.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động để tiết giảm chi phí sản xuất để tồn tại.

Theo HUBA, ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ hiện giảm xuất khẩu khoảng 15%. Trong đó, các sản phẩm dăm, viên nén, pallet, đồ gỗ giảm đến 45%. 

Thị trường nội địa cũng không khả quan khi các sản phẩm nội thất các dự án hiện "đóng băng hoàn toàn về công việc và dòng tiền", hoạt động bán lẻ cũng sụt giảm rất lớn.

Ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% doanh nghiệp trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có gì thay đổi.

Kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ vốn 

Trước khó khăn của các doanh nghiệp, HUBA đã đề xuất hàng loạt các giải pháp về kích cầu đầu tư, hỗ trợ xúc tiến thương mại, cải cách hành chính… trong đó nhấn mạnh đến yếu tố hỗ trợ về vốn.

Cụ thể, HUBA cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn thiếu vốn kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp đã vay ngân hàng để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu... và đã thế chấp hết tài sản có quyền sở hữu hợp pháp. 

Hiện nay muốn vay thêm nhưng không còn tài sản nào để thế chấp, ngân hàng không chấp nhận nhà xưởng làm tài sản đảm bảo nên công ty vô cùng khó khăn. 

Với các khó khăn đó, HUBA đề xuất Chính phủ tháo gỡ bằng cách đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỉ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hàng năm, thí điểm cho vay tín chấp và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp.

HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay một năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021.

Về lãi suất, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ "biên độ lãi ròng" (NIM) ở mức 3%.

Đồng thời, các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp trả lương cho người lao động, kích thích sức mua, kích thích thị trường.

Hơn 40% doanh nghiệp nói gặp khó do thị trường bị thu hẹp

Khảo sát của HUBA cho thấy có 41,2% số lượng doanh nghiệp được hỏi đã trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất,kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%.

base64-16800636348661517568040.png

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa cùng lãnh đạo HUBA tìm hiểu thực tế các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm - Ảnh: NGỌC HIỂN

Qua khảo sát, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng số lượng doanh nghiệp trả lời đã ổn định được hoạt động kinh doanh là 52,9%, số bị giảm sút còn chiếm tỷ lệ lớn với mức 41,2%.

Về tình hình người lao động, có 64,7% doanh nghiệp cam kết giữ nguyên được số lao động hiện có, 17,7% doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm lao động, tương đương số có nhu cầu tuyển dụng thêm.

70,6% doanh nghiệp bày tỏ niềm tin vào chính sách phát triển của Nhà nước về môi trường kinh doanh của TP hiện nay đang cơ bản là ổn, có tác động tốt vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa được cộng đồng ghi nhận nhiều. Đặc biệt là các gói hỗ trợ về vốn chưa được đánh giá cao với tỉ lệ thụ hưởng chỉ khoảng dưới 10%.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020