Cơ quan nhập cư Indonesia hồi đầu tháng cho hay gần 4.000 người Indonesia đã trở thành công dân Singapore từ năm 2019 tới 2022, đa số là người từng học tập ở Singapore tuổi từ 25 tới 35. Năm ngoái, 1.091 người đã nhập tịch Singapore, tăng so với 811 người năm 2020.
"Xu hướng này không tốt cho Indonesia. Chúng tôi đang mất đi người tài vượt trội", Silmy Karim, lãnh đạo cơ quan nhập cư Indoneisa, nói. Đây là lần đầu tiên Indonesia đề cập đến một nước cụ thể trong vấn đề công dân chuyển đổi quốc tịch.
Vịnh Marina ở Singapore ngày 25/5. Ảnh: AFP
Singapore, đất nước có 5,45 triệu dân, trong vài chục năm gần đây liên tục tăng dân số nhờ làn sóng nhập tịch chủ yếu từ các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ. Dữ liệu cho thấy mỗi năm có 15.000 - 20.000 người nhập tịch Singapore. Giới chức Singapore từ chối tiết lộ chi tiết về quốc tịch gốc của công dân mới.
Hộ chiếu Singapore hồi đầu tháng được Henley Passport Index xếp hạng là hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. Người có hộ chiếu Singapore được miễn thị thực tới 192 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bhima Yudhistira, giám đốc điều hành trung tâm Nghiên cứu Luật pháp và Kinh tế ở Jakarta, nhận định bình luận của Silmy là lời cảnh báo Jakarta nên cải thiện điều kiện lao động. "Tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra và nếu để mặc nó tiếp tục, Singapore sẽ hưởng lợi từ những người đi học bằng nguồn lực của chính phủ Indonesia", Bhima nói.
Kể từ năm 2011, Jakarta cung cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc đi du học theo chương trình Quỹ Hỗ trợ Giáo dục Indonesia (LPDP). Người nhận học bổng có nghĩa vụ làm việc vài năm ở Indonesia sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2013 tới 2022, 413 sinh viên tốt nghiệp không quay lại.
Theo công ty tư vấn tuyển dụng toàn cầu Morgan McKinley, lương trung bình của lao động toàn thời gian ở Singapore năm 2023 là 5.783 đôla Singapore (4.360 USD) một tháng. Tại Indonesia, dữ liệu từ cơ quan thống kê cho thấy lương trung bình của người đã tốt nghiệp đại học năm ngoái là 4,3 triệu rupiah (286 USD) một tháng.
Nếu được chọn sống ở Singapore, nhiều người Indonesia sẽ bắt lấy cơ hội, "bất kể có thể nhập tịch hay không", theo Sulfikar Amir, người sinh ra ở Indonesia và đang làm phó giáo sư ngành khoa học, công nghệ và xã hội tại Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU).
"Đây là dấu hiệu cho thấy họ không hài lòng với môi trường ở Indonesia và là dấu hiệu để chính phủ xây dựng hệ sinh thái việc làm tốt hơn cho thanh niên", ông nhận xét.
Những tiết lộ của cơ quan di trú Indonesia tạo ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Indonesia về nhược điểm và ưu điểm của việc sinh sống ở Singapore.
Một số người cho rằng Singapore có hộ chiếu mạnh, thị trường việc làm tốt, hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại, giao thông công cộng đẳng cấp thế giới, nhưng Indonesia vượt trội nước láng giềng về cảnh quan thiên nhiên.
Septian Hartono, người Indonesia nhập tịch Singapore, và con gái. Ảnh: SCMP
Septian Hartono, 36 tuổi, nhập tịch Singapore năm 2020. Anh chuyển tới thành phố này sinh sống năm 2003 sau khi nhận học bổng từ NTU. Học bổng yêu cầu Hartono phải làm việc tại Singapore trong ba năm sau khi học xong.
Khi anh tốt nghiệp năm 2007, chính phủ Singapore gửi thông báo sẽ cấp tư cách thường trú nhân nếu anh ở lại làm việc. Hartono trở thành thường trú nhân vào cuối năm đó.
"Bạn được yêu cầu sống ở đây 7 năm. Đây là cách hiệu quả để khiến người ta 'cắm rễ' ở Singapore", Septian, người làm việc trong ngành vật lý y khoa, nói. "Tôi từng nhiều lần nghiêm túc cân nhắc trở lại Indonesia. Nhưng cuối cùng, không có công việc phù hợp kỹ năng của tôi. Có khoảng cách đặc biệt rõ ràng giữa hai nước trong lĩnh vực y sinh".
"Y sinh là một trong những ngành công nghiệp then chốt của Singapore, vì vậy toàn bộ hệ sinh thái đều đã hoàn thiện, từ đào tạo cho đến làm việc", Septian nói thêm.
Anh ước tính 1/3 số sinh viên Indonesia cùng lớp tốt nghiệp năm 2007 đã nhập tịch Singapore. Anh kết hôn với một bạn học, có hai con và năm 2018, hai người quyết định nhập tịch. Họ trở thành công dân Singapore sau hai năm, hai con đang mang quốc tịch kép.
Singapore không công nhận quốc tịch kép ở người trưởng thành. Trẻ em được phép mang nhiều quốc tịch cho tới khi đủ 18 tuổi để quyết định sẽ giữ quốc tịch nào.
Ngoài khả năng kiếm tiền nhiều hơn, lối sống ở Singapore, đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng, cũng là điểm thu hút Septian. Jakarta nổi tiếng là nơi tắc đường nghiêm trọng. Người lao động có thể mất tới 6 tiếng đi làm mỗi ngày.
"Ở Singapore, bạn có thể đi bất kỳ đâu một cách dễ dàng. Tôi nghĩ mình sẽ không sống nổi ở Jakarta", Septian nói. Tuy nhiên, anh thừa nhận Singapore rất đắt đỏ.
Người đi xe máy len lỏi giữa ôtô trong lúc tắc đường ở Jakarta ngày 21/6. Ảnh: AFP
Không phải tất cả người Indonesia sinh sống ở Singapore đều nhập tịch, trong đó có Sulfikar, người cũng nhận học bổng của NTU và đã ở Singapore từ năm 2008.
Anh không nộp đơn xin thường trú nhân, bởi vẫn được hưởng ưu đãi với tư cách chuyên gia nước ngoài. Sulfikar nhận trợ cấp giáo dục cho con cái và trợ cấp nhà ở. Anh thừa nhận việc đi lại bằng hộ chiếu Indonesia bất tiện hơn. "Tôi vẫn dùng hộ chiếu Indonesia nên gặp khó nếu muốn đi du lịch vì vẫn cần xin thị thực", anh nói.
Theo Sulfikar, học bổng vẫn là một trong những công cụ mạnh nhất của Singapore để chiêu mộ người tài ở Indonesia. Các trường đại học thường chủ động thu hút học sinh. Trường của Sulfikar cung cấp 100 học bổng mỗi năm cho sinh viên nước ngoài, trong đó có sinh viên Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ.
Đại diện các trường đại học Singapore thường xuyên đến các trường ở Indonesia tổ chức gặp gỡ nhóm sinh viên giỏi nhất và kiểm tra ngay tại chỗ. Những người có thành tích tốt nhất sẽ được cấp học bổng, bao gồm toàn bộ học phí và trợ cấp sinh hoạt 2.260 USD mỗi tháng, cũng như tiền mua sách vở, thuê nhà và vé máy bay.
"Họ chỉ cần xách vali tới Singapore", Sulfikar nói.
Dù đã nhập tịch Singapore, nhiều người Indonesia vẫn giữ nguyên tình yêu dành cho quê hương. Septian mỗi năm về Indonesia hai lần. Anh nói "không thể xóa bỏ" quá trình trưởng thành ở Indonesia.
"Điều tôi nhớ nhất ở Indonesia là ẩm thực. Đúng là không thể làm được món ăn có hương vị như quê nhà ở đây", anh nói.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)