Những giỏ hoa cúc mâm xôi không ra búp bị người dân nhổ bỏ, khô héo tại xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
'Tôi rất áy náy'
Ngày 18-11, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến khu vực trồng cúc mâm xôi đang bị chậm ra búp tại xã Long Thới (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) để khảo sát. Ngoài một số vườn người dân đã nhổ bỏ sau khi không còn hy vọng, số còn lại người dân vẫn giữ lại để chăm sóc theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.
Trình bày với đoàn công tác do ông Huỳnh Quang Đức - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - dẫn đầu, ông Huỳnh Văn Anh cho biết vụ hoa năm trước sau khi thấy một người quen có giống hoa nở đẹp nên ông lấy 100 cây giống về để nhân giống.
"Đến tháng 6-2024, tôi đã nhân giống được hơn 100.000 cây giống bằng phương pháp giâm cành và bán lại cho bà con với giá 1.000 đồng mỗi cây.
Trong đó tôi bán cho bà con, anh em khoảng 70.000 cây giống, khoảng 40.000 - 50.000 cây cho những hộ dân khác. Bây giờ bị như thế này, tôi cũng rất áy náy và mong bà con thứ lỗi!", ông Anh nói.
Bản thân ông Anh ngoài việc bán giống cũng đã tự trồng khoảng 7.000 giỏ cúc mâm xôi giống mới. Đến nay, hàng ngàn giỏ mâm xôi của ông cùng chung số phận, chậm ra búp.
"Mấy ngày trước, phòng nông nghiệp huyện Chợ Lách có đến vườn để hướng dẫn sử dụng thuốc xử lý ra hoa. Đến nay cũng đã có kết quả, hoa bắt đầu phân cành, phân hóa mầm hoa. Tuy nhiên có khả năng hoa nở không kịp để bán cho thị trường miền Bắc, chỉ để bán thị trường gần", ông Anh nói.
Ông Huỳnh Văn Anh (ở giữa) cho biết vụ hoa năm trước sau khi thấy một người quen có giống hoa nở đẹp nên ông lấy 100 cây giống về để nhân giống, sau đó bán cho bà con - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Sẽ hỗ trợ bà con bị thiệt hại về cây con giống và biện pháp kỹ thuật
Ông Huỳnh Quang Đức - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - cho biết sau khi xảy ra hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành và chậm phân hóa mầm hoa, ngành nông nghiệp đã phân công các bộ phận chuyên môn đến hiện trường xem xét, theo dõi và đưa ra các biện pháp hỗ trợ người dân.
"Qua đánh giá tình hình thực tế, chúng tôi theo dõi theo từng thời điểm, đến nay chúng tôi có thể khẳng định nguyên nhân khiến hàng trăm ngàn chậu cúc mâm xôi bị chậm ra hoa là do người dân sử dụng giống không đảm bảo. Sau thời gian xử lý ra hoa, hiện nay đã có một số có thể ra hoa được nhưng có những cây chưa có gì hết", ông Đức nói.
Về lâu về dài, theo ông Đức cần phải quản lý về chất lượng nguồn giống. Hiện nay tỉnh Bến Tre đã có đề án giống và hoa kiểng và đang trong giai đoạn thực hiện đề án.
Cụ thể hiện tỉnh Bến Tre đã sử dụng biện pháp trồng giống nuôi cấy mô. Qua 2 năm thực hiện giống cúc nuôi cấy mô của ngành nông nghiệp tỉnh đã cho kết quả khả quan, tỉ lệ ra nụ đạt 100% và loại trừ được các loại bệnh trên loại hoa này.
Trước đó, nhiều nhà vườn tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã phải nhổ bỏ hàng ngàn giỏ hoa cúc mâm xôi vì chậm ra búp để chuyển sang trồng các loại hoa ngắn ngày để kịp bán trong dịp Tết 2025. Những nhà vườn này đều lấy giống hoa từ một người quen biết, ban đầu hoa phát triển rất tốt nhưng đến thời điểm ra nụ lại chậm hơn giống hoa truyền thống.
Theo người dân địa phương, hiện họ đã đầu tư vào mỗi giỏ hoa cúc mâm xôi khoảng 25.000 đồng, nếu hoa không nở thì xem như bị mất trắng.
Ông Huỳnh Quang Đức - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - cho biết đối với những bà con bị thiệt hại trong mùa hoa năm nay, trung tâm giống và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre sẽ có những chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Bên cạnh việc hỗ trợ cây giống, sẽ hỗ trợ bà con các biện pháp kỹ thuật, về cách chọn giống, cách bảo quản giống...