Theo báo cáo của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), năm 2023 giá trị giao dịch trung bình của hàng hóa trên sàn đạt 4.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong đó có những ngày đạt kỷ lục gần 10.000 tỷ đồng. Số lượng đơn vị tham gia hơn 30.000 tài khoản, tăng 20% so với năm 2022. Hiện, sàn niêm yết 45 sản phẩm giao dịch liên thông với thế giới chia làm 4 nhóm: nông sản, năng lượng, kim loại và nguyên liệu công nghiệp.
Sở Giao dịch hàng hóa là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung quy mô cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Trong 5 năm gần đây khi được Bộ Công Thương cho phép liên thông giao dịch với thế giới, thị trường đã trải qua giai đoạn phát triển mạnh. Giao dịch diễn ra thông suốt 24 giờ mỗi ngày từ sáng thứ hai đến sáng thứ bảy hàng tuần. Kể từ tháng 6/2023, MXV chính thức được phép triển khai giao dịch các hợp đồng quyền chọn hàng hóa trên phạm vi toàn quốc. Sau hơn 6 tháng triển khai, hợp đồng quyền chọn đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, thể hiện qua khối lượng giao dịch tăng trưởng đều mỗi tháng.
Nhân viên làm việc tại MXV. Ảnh: MXV
Chia sẻ tại hội nghị mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch do Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập tổ chức chiều 12/1 ở TP HCM, ông Nguyễn Quốc Thịnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gia Cát Lợi, cho rằng tham gia sở giao dịch hàng hóa nhà đầu tư và doanh nghiệp đảm bảo lợi nhuận bất chấp những biến động của thị trường. Thời gian giao dịch hàng hóa linh hoạt, thanh khoản cao và nhanh chóng. Đặc biệt, nhà đầu tư không chịu nhiều rủi ro về tồn kho hàng hóa khi giao dịch trên sàn.
Ông dẫn chứng, như khi giao dịch cà phê, doanh nghiệp chỉ cần đặt lệnh mua trên sàn mà không cần phải mang hàng thật về kho cất. Khi thị trường tăng, doanh nghiệp đặt lệnh bán là sẽ có lời mà không gặp bất cứ rủi ro nào về tồn kho và chất lượng.
Đồng quan điểm, ông Lương Văn Tự, nguyên Chủ tịch hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam cho biết mặc dù sàn giao dịch hàng hóa còn mới mẻ nhưng với giao dịch tăng qua các năm cho thấy tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ, trước đó rất nhiều sàn giao dịch lập ra nhưng chỉ hoạt động cầm chừng và ngưng hoạt động sau vài tháng hoặc 2 năm.
Ông Tự cho biết, trước đây ông đã từng giúp các doanh nghiệp bán hàng hóa trên sàn Singapore và gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, ông khuyên các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ và tham gia vào đào tạo trước khi gia nhập thị trường. Bởi, theo ông sàn giao dịch hàng hóa này đa phần là giao dịch hợp đồng tương lai nên phải hiểu rõ xu hướng cung cầu hàng hóa.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam chưa thực sự hoàn chỉnh như các nước khu vực. Do đó, Sở chưa phát huy thế mạnh của trong việc phát triển nông nghiệp và tạo lợi ích cho nông dân, công ty sản xuất nông nghiệp. MXV chưa được quy định mã ngành, nghề kinh tế riêng, gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường. Do đó, ông Hiển cho rằng cần có nhiều bước tiến nâng cấp để phù hợp hơn với thị trường chung thế giới.
Để mở rộng nhóm hàng, MXV cho biết sẽ sớm niêm yết giao dịch sản phẩm tín chỉ carbon liên thông với thế giới. Theo tầm nhìn và định hướng phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, MXV sẽ dành rất nhiều nguồn lực để xây dựng các thị trường hàng hóa chuyên biệt mà nước ta có thế mạnh.
Mới đây, MXV đã ký kết hợp tác với Sở Công Thương TP HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM xây dựng đề án thành lập Sàn giao dịch thịt heo tại TP HCM. Sàn giao dịch thịt heo sẽ vận hành theo tôn chỉ đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và giúp thị trường không còn chịu sự chi phối của các thương lái.
Hồng Châu