Chuyên mục  


Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, đến hết ngày 16/6, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được khoảng hơn 122.000 tấn vải (khoảng 65,2% tổng sản lượng), giá bình quân trong khoảng từ 12.000-29.000 đồng mỗi kg, trong đó thị trường trong nước tiêu thụ gần 71.886 tấn (chiếm 58,8%), xuất khẩu đạt 50.280 tấn (chiếm khoảng 41,1%).

Trong khi đó, Hải Dương cũng đã thu hoạch và tiêu thụ được 48.000 tấn vải thiều, với tỷ lệ tiêu thụ nội địa 56%, xuất khẩu 44%. Lượng vải còn lại của Hải Dương chỉ còn khoảng 4.000 đến 6.000 tấn.

Khi Việt Nam bùng nổ đợt dịch thứ 4 trên nhiều tỉnh, thành phố đúng thời điểm nhiều loại nông sản đang vào vụ thu hoạch, Bộ Công Thương đã nhanh chóng triển khai hàng loạt giải pháp ưu tiên tiêu thụ nông sản, trong đó xác định thị trường trong nước là trọng điểm, kết hợp với duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống.

Theo đó, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã ra văn bản khuyến khích các hệ thống phân phối hỗ trợ tăng lượng tiêu thụ vải thiểu Bắc Giang lên gấp 1,5 đến 3 lần so với năm trước. Đồng thời, mở rộng phân phối tại các nền tảng thương mại điện tử nhằm tăng sức mua trong điều kiện giãn cách xã hội.

Các đại biểu thăm quan gian hàng vải Thanh Hà đạt chuẩn xuất khẩu tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021. Ảnh: BCT.

Chiến dịch tiêu thụ nông sản do Bộ Công Thương phát động đã nhận được sự tham gia của nhiều bên. Hàng loạt hệ thống phân phối lớn trong nước đã bắt tay với các sàn thương mại điện tử tổ chức bán vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn... Ngoài ra, các kênh giao hàng như Grab, Now, Baemin cũng đã vào cuộc để đưa nông sản đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.

Lần đầu tiên, lực lượng quản lý thị trường đã đảm nhận thêm việc hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, phối hợp với nhiều công ty, tổ chức, mở các điểm bán hàng lưu động giúp bà con nông dân vùng dịch. Cục Xúc tiến Thương mại đưa vào thí điểm ứng dụng truy xuất nguồn gốc với vải thiều và một số nông sản khác, nhận được phản hồi tích cực từ các địa phương, các doanh nghiệp thu mua cũng như các thị trường xuất khẩu như Pháp, Nhật, Hàn Quốc...

Thực tế, đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản không phải năm nay cơ quản quản lý mới rốt ráo thực hiện. Hàng năm, Bộ Công Thương vẫn phối hợp với các hệ thống phân phối trong nước và đối tác nước ngoài để triển khai các giải pháp lưu thông, tiêu thụ nông sản.

Năm 2021, khi dịch bệnh bùng phát đúng vào thời điểm nhiều loại nông sản vào vụ thu hoạch, bài toán tiêu thụ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong khi đối tác xuất khẩu không thể vào thu mua trực tiếp vì dịch bệnh, đối tác trong nước lại đối mặt với khó trong lưu chuyển. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc cũng siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới, khiến nông sản càng "không lối ra".

Lúc này khơi thông dòng chảy hàng hóa, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, giữ vững mục tiêu kép giữa làn sóng Covid-19 mới cần được ưu tiên. Bộ Công Thương đã ra chỉ thị 08 về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngay tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cam kết, sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan; UBND các tỉnh, thành phố; các cửa khẩu để bảo đảm việc thông quan một cách dễ dàng và thuận lợi, ưu tiên luồng xanh ở các cửa khẩu chính ngạch, phối hợp với Bắc Giang trong lưu thông hàng hóa, dịch vụ từ tỉnh đi các nơi và ngược lại.

Nghi lễ Khai trương "Gian hàng vải thiều trên sàn Alibaba và các sàn thương mại điện tử" trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2021. Ảnh: BCT.

Ngoài việc đề nghị sự vào cuộc của toàn hệ thống ngành công thương, cơ quan quản lý còn làm việc với chính quyền nước bạn để tạo điều kiện thuận lợi, tăng thời gian thông quan đối với nông sản, đặc biệt thực hiện luồng xanh cho quả vải. Mặt khác, để khơi thông thị trường nội địa, giải quyết vấn đề vận chuyển, lãnh đạo Bộ cũng đã họp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhằm thúc đẩy các giải pháp cho hoạt động lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn, triển khai các biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân các địa phương có dịch.

Không chỉ hỗ trợ với sản phẩm vải thiều của Hải Dương và Bắc Giang, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các địa phương khác để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trước mắt là nhãn Hưng Yên và thanh long Bình Thuận.

Theo đánh giá của đại diện Bộ, những thành công từ chiến dịch vừa qua là nền tảng để ngành công thương tận dụng thị trường nội địa và triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phương Trang

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020