Chốt phiên giao dịch 13/11, giá vàng thế giới giao ngay giảm 25 USD xuống 2.572 USD một ounce. Đây là phiên thứ tư liên tiếp giá đi xuống.
Kim loại quý vừa chịu sức ép khi đồng đôla Mỹ mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Nguyên nhân là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10 tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế học nhận định tốc độ hạ nhiệt lạm phát đang chậm lại, có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm số lần nới lỏng tiền tệ năm tới.
Giá vàng thế giới đã giảm 4 phiên liên tiếp. Đồ thị: Kitco
Dollar Index hôm 13/11 lên cao nhất 7 tháng so với rổ tiền tệ lớn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng.
"CPI tăng tốc trở lại nhưng khớp dự báo, gây tác động trái chiều lên giá vàng. Thị trường ngày càng tin tưởng Fed giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) trong tháng 12", Zain Vawda - nhà phân tích thị trường tại MarketPulse cho biết.
Theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch, nhà đầu tư hiện đặt cược xác suất Fed giảm lãi tháng tới là 82%. Trước khi báo cáo CPI được công bố, xác suất chỉ là 58%.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng dự báo nhiệm kỳ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể khiến Fed dừng quá trình nới lỏng, nếu lạm phát tăng trở lại sau khi áp dụng thuế nhập khẩu mới. "Trong ngắn hạn, vàng có thể phục hồi lên quanh 2.650 USD. Nhưng sau đó, giá có thể giảm trở lại", Vawda dự báo.
Hôm nay, Mỹ sẽ công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần. Ngày mai, giới chức tiếp tục công bố doanh số bán lẻ. Các bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell cùng các quan chức khác cũng sẽ được chú ý.
"Theo biểu đồ kỹ thuật, ngưỡng cản sắp tới của vàng là 2.700 USD và ngưỡng hỗ trợ là 2.500 USD một ounce", Jim Wyckoff - nhà phân tích thị trường tại Kitco Metals nhận định.
Hà Thu (theo Reuters, Kitco)