"Tôi chắc chắn rằng mọi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), và hy vọng là cả Mỹ, đều sẵn sàng tiếp tục nỗ lực hỗ trợ Ukraine. EU cũng sẵn sàng tiếp quản vai trò dẫn dắt nỗ lực nếu Mỹ không muốn làm", Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Kaja Kallas nói hôm nay.
Tuy nhiên, bà Kallas cho rằng không nên đồn đoán về nỗ lực viện trợ của Washington cho Kiev vào thời điểm này. "Mỹ có nhiều lợi ích ở châu Âu và sẽ bất lợi nếu Nga trở thành cường quốc mạnh nhất thế giới. Tôi chắc rằng lãnh đạo mới của Mỹ cũng có thể nhìn thấy bức tranh bao quát hơn sau khi nhậm chức", bà nói.
Bà Kaja Kallas phát biểu tại Brussels, Bỉ, ngày 16/12/2024. Ảnh: AFP
Chiến sự Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ tư và chưa có dấu hiệu sắp kết thúc. Phân tích của AFP dựa trên số liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở Mỹ, cho thấy Nga giành thêm gần 4.000 km2 lãnh thổ trong năm 2024. Trong khi đó, quân đội Ukraine chật vật vì thiếu quân số.
Mỹ là bên viện trợ nhiều nhất cho Ukraine với khoản hỗ trợ lên đến 175 tỷ USD. Tuy nhiên, Ukraine chỉ nhận trực tiếp 106 tỷ USD, gồm 69,8 tỷ USD viện trợ quân sự, 33,3 tỷ USD hỗ trợ tài chính và 2,8 tỷ USD viện trợ nhân đạo. Số còn lại được chi cho các hoạt động liên quan của Mỹ và một phần nhỏ được dùng để hỗ trợ cho những nước bị ảnh hưởng trong khu vực.
Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) cho biết EU và các nước thành viên đã viện trợ quân sự 49,4 tỷ USD và huấn luyện khoảng 70.000 binh sĩ cho Ukraine.
Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong 24 giờ sau khi nhậm chức, song không nêu biện pháp cụ thể. Ông nhiều lần chỉ trích mạnh mẽ khoản viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)