Chuyên mục  


Nhận định được ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP HCM nêu chiều 21/1, nhân dịp cơ quan này công bố kết quả "Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024".

"Có doanh nghiệp mất cả năm xin giấy phép đầu tư, còn thủ tục xây dựng, sửa chữa nhà xưởng cũng 6 tháng. Họ than phiền với văn phòng chúng tôi rất nhiều", ông Nobuyuki cho biết.

Nguyên nhân, thủ tục hành chính tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cho là phức tạp, với đến 62,4% công ty phản ánh trong khảo sát. Mức này cao hơn đáng kể so với trung bình Đông Nam Á là 38,3%.

Cùng với đó, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, việc thực thi thiếu minh bạch, thuế và thủ tục thuế phức tạp... Các yếu tố này cũng cao hơn trung bình khu vực từ 15 đến 20 điểm phần trăm. Tỷ lệ phản ánh hạn chế này tại Việt Nam tăng mạnh so với năm 2019, trong khi các quốc gia khu vực lại giảm.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam năm qua đạt 3,5 tỷ USD, giảm hơn 48%.

"Năm ngoái, hầu như không có dự án lớn nào từ Nhật Bản, vì họ thấy những thách thức của môi trường đầu tư ở Việt Nam. Muốn kêu gọi họ vào thì phải tháo gỡ những vướng mắc này", ông Nobuyuki Matsumoto chỉ ra.

Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP HCM, ngày 21/1. Ảnh: Viễn Thông

Tuy nhiên, hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi vẫn dự kiến mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, mức cao nhất Đông Nam Á. Theo nhóm ngành, trên 48% công ty chế tạo muốn mở rộng. Toàn bộ đơn vị bán lẻ và kinh doanh ăn uống của Nhật ở Việt Nam được hỏi đều muốn tăng hiện diện.

Theo Trưởng đại diện Jetro tại TP HCM, thông thường nhà đầu tư than phiền nhiều thì sẽ bỏ đi, nhưng với Việt Nam họ vẫn muốn tăng đầu tư. Họ chần chừ mở rộng và chờ đợi vì nhận ra nhiều thách thức.

"Nhà chức trách cần sớm gỡ các rào cản đầu tư. Nếu tỷ lệ than phiền thủ tục phức tạp có thể kéo giảm xuống dưới 38,3%, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư", ông Nobuyuki nói.

Hiện ba lợi thế hàng đầu để thu hút đầu tư trong mắt doanh nghiệp Nhật Bản là quy mô thị trường/tiềm năng tăng trưởng, chi phí nhân công rẻ và tình hình chính trị - xã hội ổn định. Tất cả đều vượt trên mức trung bình của ASEAN.

"Từ đầu năm đến nay, chúng tôi nhận thấy Tổng bí thư Tô Lâm liên tục phát biểu về hợp lý hóa và tinh gọn bộ máy. Hy vọng những điều này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, giúp doanh nghiệp Nhật Bản vững tâm đầu tư hơn tại Việt Nam", ông Nobuyuki Matsumoto nhận định.

Viễn Thông

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020