Vào tháng 7/2024, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có diện tích gần 5.900 km2 và dân số hơn 3,3 triệu người (2023).
Theo quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 tỉnh Đồng Nai sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng cao. Đến năm 2050, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại.
Đồng Nai hiện là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước khi được phê duyệt quy hoạch 39 khu công nghiệp với diện tích gần 190 km2. Trong đó, 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy gần 86%. Hiện các khu công nghiệp của tỉnh thu hút khoảng 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư. Nhiều nhất là Hàn Quốc với các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyosung…
Về kinh tế, bình quân thời kỳ 2021-2030 tỉnh phấn đấu đạt khoảng 10%/năm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP). Cụ thể, GRDP bình quân đầu người tính đến năm 2030 đạt khoảng 14.650 USD. Bên cạnh đó, về xã hội, quy mô dân số đến năm 2030 cũng sẽ đạt khoảng 4 - 4,2 triệu người.
Với quy mô công nghiệp lớn và dân số tăng nhanh đòi hỏi tỉnh Đồng Nai phải chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Đối với đường bộ, tỉnh đã và đang xây dựng các hành lang kết nối vùng dựa trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc và đường vành đai như: cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, đường vành đai 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…
Trên hình là tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn đi qua Đồng Nai. Tuyến cao tốc dài 58 km, tổng mức đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam đóng vai trò kết nối giao thông giữa 2 vùng Đông và Tây Nam Bộ mà không phải di chuyển qua khu vực trung tâm TP. HCM.
Về đường hàng không, tỉnh “sở hữu” dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong ảnh là sân bay Long Thành với vốn đầu tư vào khoảng 16 tỷ USD, nằm ở vị trí thuận lợi khi gần TP. HCM, cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và hàng chục khu công nghiệp của tỉnh. Sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai.
Ngoài ra, cảng biển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh. Bởi, Đồng Nai hiện có 13 con sông và kênh, trong đó quan trọng nhất là sông Đồng Nai với khoảng 220km chảy qua địa bàn tỉnh. Đây được xem là nguồn tài nguyên lớn để phát triển giao thông đường thủy.
Xác định lợi thế có được từ giao thông đường thủy, tỉnh Đồng Nai quy hoạch 3 khu bến cảng gồm: khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái; khu bến Nhơn Trạch và khu bến Long Bình Tân. Những bến cảng hàng hóa này tập trung khai thác các phân khúc chính là vận tải nội Á và nội địa.
Để thực hiện hóa mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050, Đồng Nai đã lựa chọn hướng phát triển bền vững. Cụ thể, tỉnh đang chuyển mình phát triển theo hướng công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Trên hình là khu công nghiệp Amata Đồng Nai - một trong ba khu công nghiệp đầu tiên của cả nước được chọn để xây dựng mô hình thí điểm khu công nghiệp sinh thái kiểu mẫu theo hướng toàn cầu.
Có thể thấy, Đồng Nai đã đề ra những điều kiện cần thiết và đang dần thực hiện hóa chúng để giúp địa phương có thể đáp ứng yêu cầu trở thành một tỉnh trực thuộc Trung ương trong tương lai.