Chuyên mục  


gao010c985e9f3db7d49a2a58a1a52506b3-read-only-17335857226492007270586.jpg

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã xây dựng thương hiệu gạo riêng. Trong ảnh: gạo Quê Tôi của tỉnh Trà Vinh trưng bày tại hội nghị hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL cuối tháng 11-2024 - Ảnh: C.Q.

Trồng lúa chất lượng cao và xây dựng thương hiệu để hạt gạo có chỗ đứng trên thị trường là cả một quá trình dài. Nhưng nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh đã làm thành công sau nhiều năm nỗ lực tập trung đầu tư, xây dựng thương hiệu gạo Việt.

Cùng chung sức làm gạo thương hiệu Việt

Thương hiệu gạo huyết rồng ông Năm Đấu (Đồng Tháp) đã từng rất nổi tiếng, đoạt giải ba cuộc thi gạo ngon tỉnh Đồng Tháp năm 2022 vẫn âm thầm tạo dựng thương hiệu. Ông Lê Văn Đấu - Năm Đấu (xã Phú Thành A, huyện Tam Nông) nổi tiếng với giống "lúa lạ" được ông lai tạo thành công và đặt tên gạo huyết rồng.

Vào năm 2020, gạo huyết rồng Năm Đấu được chứng nhận đăng ký thương hiệu gạo và một năm sau ông Đấu đầu tư hơn 700 triệu đồng xây dựng nhà máy xay xát để mở rộng dây chuyền sản xuất. Theo ông Năm Đấu, cánh đồng lúa huyết rồng 10ha đang sản xuất theo hướng an toàn, phần lớn sử dụng phân hữu cơ, kỹ thuật một phải, năm giảm.

Ông Đỗ Minh Hoàng - phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tam Nông - cho biết cơ sở Năm Đấu là một trong những cơ sở khởi nghiệp tiêu biểu của huyện Tam Nông trong thời gian qua. "Hiện cơ sở có hai sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, một sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Về nhu cầu của cơ sở trong thời gian tới, huyện đang đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ vốn khuyến công năm 2024 để cơ sở đầu tư máy nghiền bột mịn và máy đóng gói với kinh phí 230 triệu đồng, đồng thời đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ dây chuyền sản xuất khép kín đối với sản phẩm bột gạo lứt huyết rồng", ông Hoàng nói.

Trong khi đó, do mỗi năm có khoảng 6 tháng mưa liên tục nên Cà Mau đã phát triển được khoảng 38.000ha lúa tôm. Tận dụng điều kiện tự nhiên đặc thù mỗi năm có hai mùa nước mặn và nước ngọt nên vùng nuôi tôm huyện Thới Bình, một phần huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh và TP Cà Mau đã xây dựng thương hiệu lúa tôm, lúa tôm hữu cơ nổi tiếng gần xa.

Ông Lê Văn Mưa - chủ tịch HĐQT Hợp tác xã dịch vụ sản xuất lúa tôm Trí Lực (huyện Thới Bình) - cho biết xây dựng thương hiệu không chỉ một sớm một chiều, mà phải là quá trình ổn định chất lượng lâu dài, sản phẩm phải có điểm khác biệt và nổi trội hơn so với những sản phẩm khác mới tồn tại, được người tiêu dùng nhớ đến khi có nhu cầu sử dụng.

"Với tư duy đó, Hợp tác xã lúa tôm Trí Lực đã xây dựng được thương hiệu gạo hữu cơ Hoàng Yến đạt chuẩn 3 sao OCOP, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng", ông Mưa khẳng định.

Nghe tên biết chất lượng gạo Việt

Ông Lê Văn Đen (Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình), người tham gia sản xuất lúa hữu cơ mang thương hiệu lúa tôm, cho biết khi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác lúa hữu cơ sẽ tăng năng suất lúa khoảng 10% so với sản xuất truyền thống, giá lúa cũng cao hơn từ 15% so với loại gạo sản xuất theo cách thông thường, trong khi chi phí sản xuất cũng giảm do không xài phân thuốc.

Cũng nhờ không xài phân thuốc nên sản xuất tôm dưới tán lúa rất hiệu quả, tôm cua phát triển tốt góp phần tăng lợi nhuận. "Với 1ha đất canh tác lúa hữu cơ, năng suất trung bình hằng năm khoảng 8 tấn, lại được các công ty bao tiêu và thu mua cao hơn giá lúa thường tại thời điểm thu hoạch khoảng 1.500 đồng/kg. Tôm cũng trúng hơn so với trước đây", ông Đen khoe.

Ông Trương Sỹ Bá - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long - cho hay thương hiệu gạo A An được xây dựng từ tháng 7-2019 đến nay và đã chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng. Dù thương hiệu gạo này cũng đối mặt với vấn nạn bị làm giả, làm nhái nhưng các đối tượng chỉ có thể làm giả bao bì mà không thể nào làm giả chất lượng gạo.

Gạo A An chủ yếu được sản xuất từ gạo ST21, ST24, ST25, Japonica và Đài Thơm 8, cung cấp ra thị trường khoảng 50.000 - 60.000 tấn gạo/năm, chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa chứ không xuất khẩu. Theo ông Bá, để thành công như hiện nay, tập đoàn phải chuẩn hóa về chất lượng và kiểm soát được chất lượng từ trồng lúa đến thu hoạch, sấy, trữ, đóng gói, bảo quản...

Toàn bộ chuỗi giá trị đó phải được kiểm soát chặt chẽ để hạt gạo không bị lẫn tạp chất. Chưa hết, phải được kiểm soát chặt chẽ từ giống đến sản xuất. Cũng theo ông Bá, việc xây dựng thương hiệu gạo xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng ngày càng mong muốn được sử dụng gạo chất lượng cao và an toàn, có kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Đặc biệt là quá trình trồng trọt có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. "Đây là xu hướng tất yếu nên xây dựng được thương hiệu, người tiêu dùng sẽ ủng hộ, dù khó khăn có bao nhiêu nhưng khi thành công sẽ đạt hiệu quả", ông Bá nói.

Gạo ngon giá cao, ai cũng hài lòng

Theo ông Năm Đấu, với diện tích 10ha lúa huyết rồng được canh tác 2 - 3 vụ/năm, sản lượng đạt khoảng 60 tấn gạo/năm. Giá gạo huyết rồng khoảng 30.000 đồng/kg, cao hơn từ 10.000 - 12.000 đồng so với một số loại gạo thông dụng.

Ngoài ra, các sản phẩm giá trị gia tăng sau gạo như: bột gạo lứt huyết rồng (giá 80.000 đồng/kg) đã được công nhận chuẩn OCOP 3 sao, gạo huyết rồng sấy (giá 120.000 đồng/kg)...

Cơm ngon và an toàn hơn

Ông Phan Hoàng Vũ - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau - cho biết những năm qua địa phương đã xây dựng được điều kiện cần để phát triển lúa tôm theo hướng hữu cơ. Các địa phương và người dân đã tiếp cận được các giống lúa tốt và canh tác theo tự nhiên.

"Gạo đã ngon cơm, chất lượng và an toàn hơn. Chỉ cần hoàn thiện thêm việc tổ chức sản xuất cho tốt, có quy hoạch, bố trí địa bàn cho từng giống lúa thích hợp, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để có thị trường ổn định, bền vững sẽ đạt được điều kiện đủ để sản phẩm lúa gạo được cạnh tranh, được nhiều người biết đến", ông Vũ nói.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020