Thị trường chứng khoán đã trải qua một tuần giao dịch biến động với nhiều phiên tăng giảm liên tục, chịu tác động bởi thông tin Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam vì hành vi thao túng chứng khoán.
VN-Index có phiên lao dốc mạnh ngay đầu tuần và phục hồi ngay sau đó. Chỉ số tiếp tục giảm trong ngày thứ tư 30/3 để rồi bất ngờ tăng vọt trong phiên gần nhất.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng tổng cộng gần 18 điểm (1,2%) 1.516,44 điểm và gần tiến về đỉnh lịch sử. Xu hướng ngược lại tại Hà Nội khi HNX-Index giảm 7,65 điểm (-1,66%) xuống 454 điểm và UPCoM-Index giảm nhẹ 0,16% về mức 117,19 điểm.
Điểm nhấn trong tuần qua chính là biến động tiêu cực của các cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết. Trong đó FLC và ROS bị bán mạnh 5 phiên liên tiếp, trong đó có 4 phiên giảm sàn và chỉ có thanh khoản trở ngại trong ngày cuối tuần.
Các mã liên quan còn lại là ART, HAI, AMD và KLF cũng bị bán tháo liên tiếp trước khi được giải cứu, tăng trần bất ngờ trong phiên 1/4.
Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu khác dường như không bị tác động tiêu cực từ vụ việc trên. Đặc biệt là cổ phiếu vốn hóa lớn với nền tảng kinh doanh lành mạnh đã hút dòng tiền trở lại. Các cổ phiếu bluechip như FPT tăng đến 16%, MWG tăng hơn 12% hay VNM tăng 8,5%...
Những lo ngại về tiền rút khỏi thị trường đã không diễn ra. Thanh khoản thậm chí còn tăng lên khi tổng giá trị giao dịch bình quân tăng gần 5% lên mức 33.102 tỷ đồng/phiên, trong đó giá trị khớp lệnh bình quân đạt 30.386 tỷ đồng/phiên.
Khối ngoại cũng giao dịch khá tích cực khi mua vào 152 triệu cổ phiếu trị giá 7.740 tỷ đồng, ngược lại bán ra 143 triệu cổ phiếu có trị giá 6.727 tỷ đồng. Tổng giá trị mua ròng là hơn 1.000 tỷ đồng.
|
Diễn biến VN-Index trong tuần 28/3-1/4. Đồ thị: TradingView. |
Tiếp tục xu thế tăng tích cực trong phiên cuối tuần trước, nhiều công ty chứng khoán nhận định thị trường trong tuần mới 4-8/4 có thể rung lắc nhẹ nhưng vẫn trên 1.500 điểm, thậm chí có đơn vị dự báo tăng về đỉnh lịch sử (1.529 điểm).
Chứng khoán BIDV dự báo thị trường có thể sẽ dao động trong biên độ ±10 điểm quanh ngưỡng 1.500 điểm, điều chỉnh nhẹ sau phiên bật tăng cuối tuần trước.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), các chỉ số thường ghi nhận diễn biến kém tích cực trong tháng 4 và giao dịch cũng không thực sự sôi động, do đó tâm lý dè dặt của nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn này cũng là điều dễ hiểu.
Trong giai đoạn trước mắt, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục. Đồng thời theo dõi vĩ mô và mùa đại hội cổ đông để lên kế hoạch tích lũy cổ phiếu.
Chứng khoán MB nhận định các yếu tố tác động bên trong và bên ngoài đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Công ty đưa quan điểm nếu có rung lắc thì là cơ hội để cơ cấu danh mục, các nhóm cổ được tăng trưởng tốt sẽ là sự lựa chọn của dòng tiền.
Chứng khoán Rồng Việt cho rằng thị trường vẫn có thể kỳ vọng vào quán tính tăng điểm. Tuy nhiên nhà đầu tư cần tránh nhóm cổ phiếu rủi ro và hạn chế mua đuổi các cổ phiếu vượt xa nền tích lũy, trong khi xem xét cơ hội tại các cổ phiếu có tín hiệu tích cực từ nền tích lũy.
KB Việt Nam nhận định với đà tăng điểm tích cực cùng sự lan tỏa dòng tiền đến các nhóm ngành, chỉ số đang có nhiều cơ hội vượt qua vùng đỉnh này, trước khi có thể chịu áp lực rung lắc trở lại tại vùng kháng cự kế tiếp quanh 1.530 (+/-5) điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục linh hoạt trading cho các vị thế ngắn hạn, chốt lời từng phần khi chạm kháng cự hoặc trải mua trở lại khi về hỗ trợ.
Tương tự Yuanta Việt Nam kỳ vọng VN-Index có thể mở rộng về mức kháng cự 1.535 điểm khi đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang thu hút dòng tiền giúp xu hướng tăng ngắn hạn có thể bền vững hơn.