Chuyên mục  


VN-Index giảm 1,8% trong tháng 10. Sang tháng này, thị trường cũng rơi khoảng 3,8%. Trong đó đợt điều chỉnh từ cuối tuần trước lan sang ba phiên đầu tuần này ảnh hưởng lớn đến tâm lý chung. Chứng khoán lùi dần về ngưỡng hỗ trợ quan trọng cả về mặt kỹ thuật lẫn tâm lý nhà đầu tư - mốc 1.200 điểm. VN-Index về ngang vùng giá hồi đầu tháng 8. Thanh khoản xuống mức thấp, cho thấy nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi mặt bằng giá hấp dẫn hơn trước khi quyết định giải ngân tiếp tục.

Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số của Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng diễn biến này không quá bất ngờ. Nếu theo dõi trong cả năm nay, thị trường đã có cơn sóng lớn vào đầu năm nhưng nhanh chóng kết thúc vào tháng 3 và có vài điểm nhấn đến tháng 6. Sau đó, từ tháng 6-11, chứng khoán luôn trong xu hướng giảm.

"Dựa trên nhiều phương pháp bắt đáy, cơ hội đang đến rất gần cho nhà đầu tư", ông nêu quan điểm.

Chuyên gia này chỉ ra thị trường đang có một số dấu hiệu thể hiện điều này. Đầu tiên là P/E (giá thị trường trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu). Trong bất kỳ thị trường xấu, dù đến mức nào, định giá theo P/E cũng chỉ về mức 10-11 lần. Điều này xảy ra ở năm 2016, trước khi bước vào sóng tăng mạnh 2016-2017 hay lần thứ hai vào năm 2020, trước đợt sóng Covid và lần thứ ba là năm 2022 khi có câu chuyện về trái phiếu. Hiện tại, VN-Index đang ở mức 11 lần theo P/E.

Nếu dựa trên định giá P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách), thị trường sẽ có một số điểm hỗ trợ cứng tại 1.155 điểm. Nếu thị trường về khu vực này, ông Đức cho rằng sẽ có sóng hồi.

Phương pháp cuối cùng là dựa vào chỉ số sợ hãi (RSI). Số lượng cổ phiếu giao dịch dưới RSI 30 lên mức 20-25% là ngưỡng sợ hãi cao độ của thị trường. Trước đợt giảm hiện tại, đồ thị đang ở mức 10% và ông cho rằng sau phiên 19/11 có thể đã dâng lên 20% và sẽ nhanh chóng lên 25-30%. Nhìn vào lịch sử, trong thị trường hoảng loạn gần nhất vào năm 2022, số lượng cổ phiếu giao dịch dưới RSI 30 lên đến 50%. Trong bối cảnh bình thường, tỷ lệ này dâng lên 30% đã xuất hiện sóng hồi.

Ở khu vực 1.200 điểm, nhóm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tín hiệu hỗ trợ chưa rõ nét. Tuy nhiên nếu bước vào vùng quá bán dưới ngưỡng kể trên, thị trường sẽ có thể kiểm tra động lực hỗ trợ của dòng tiền. "Tín hiệu cung cầu trong vùng quá bán này sẽ có tác động đến diễn biến tiếp theo của chứng khoán", nhóm phân tích VDSC dự báo.

Những nhận định trên dần được kiểm chứng trong phiên giao dịch hôm nay. Trong buổi sáng, VN-Index bị đẩy về thủng mốc 1.200 điểm khi lực bán ồ ạt xuất hiện. Tuy nhiên, thị trường không quá hoảng loạn mà đã cải thiện sau đó chỉ một tiếng khi lực cầu bắt đáy gia nhập khá tích cực.

Cuối phiên, chỉ số được nâng lên trên 1.216 điểm, tức tăng hơn 11 điểm. Thanh khoản cải thiện tốt khi ghi nhận hơn 17.800 tỷ đồng, cao hơn 34% so với hôm qua.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng ở khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI hướng lên từ vùng thấp, tuy nhiên chỉ báo MACD (đường trung bình động hội tụ phân kỳ) chưa cho tín hiệu tạo đáy cho thấy xác suất rung lắc vẫn chưa hoàn toàn được xóa bỏ. Tuy nhiên với việc thanh khoản đã có sự gia tăng đáng kể và sự tham gia chủ động của lực cầu, nhóm phân tích này kỳ vọng thị trường sẽ đi ngang tích lũy để củng cố lại động lực và dần cân bằng trở lại.

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM) trong một phiên giảm điểm hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Ở tầm nhìn dài hạn, Dragon Capital cho rằng khả năng chứng khoán giảm thêm không cao. Công ty quản lý quỹ này đánh giá đồng USD mạnh lên có thể kéo dài việc rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi để chuyển về Mỹ. Tuy nhiên, lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp niêm yết vẫn đạt kết quả tích cực. Riêng 80 công ty thuộc danh mục theo dõi của họ đã ghi nhận mức tăng trưởng ròng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả trên cho thấy khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán và củng cố kỳ vọng tăng trưởng 16-18% vào năm sau. Nhóm doanh nghiệp kể trên cũng đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 11,6 lần so với mức trung bình 13,9 lần trong 5 năm qua. Kết hợp với quan điểm tích cực của nhà đầu tư trong nước, Dragon Capital vẫn lạc quan về tình hình thị trường trong tương lai.

Cho rằng cơ hội đang đến, nhưng chuyên gia VPBankS cũng lưu ý điều quan trọng là bắt đáy theo phương thức nào. Dựa trên quy tắc đầu tư của William O' Neil, ông Nguyễn Việt Đức cho rằng có một số điểm phù hợp với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ nhất, không nên bắt đáy đối với cổ phiếu thị giá quá thấp. Trong trường hợp chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu chất lượng cao thường có giá khoảng 15.000 đồng trở lên. Nhà đầu tư nên mua cổ phiếu nằm trong các ngành tăng trưởng hàng đầu.

Thứ hai, cắt lỗ mỗi khi vượt 8% so giá mua cổ phiếu và không có ngoại lệ. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cũng cần tuân thủ các quy tắc bán để biết khi nào nên chốt lời.

Quy tắc tiếp theo là nên mua khi chỉ số thị trường tăng điểm, giảm đầu tư và tăng tiền mặt khi thị trường giảm. Quan trọng là đừng đoán đáy hoặc mua vào khi giá giảm, đừng tranh luận với thị trường và hãy quên đi sự tự hào và cái tôi của mình.

Còn VCBS khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc tận dụng các nhịp rung lắc trong phiên để giải ngân từng phần cho mục tiêu đầu tư trung - dài hạn. Trọng tâm là những cổ phiếu đã duy trì được xu hướng và bật tăng mạnh mẽ từ vùng hỗ trợ hoặc đáy chiết khấu sâu với dư địa hồi phục còn nhiều. Đồng thời, nhà đầu tư cũng nên hạn chế gia tăng tỷ trọng ở những mã đang kiểm định vùng đỉnh hay chưa thu hút được lực cầu tích cực.

"Nhà đầu tư vẫn cần tuân thủ chặt chẽ các ngưỡng chốt lời hay cắt lỗ đã đặt ra trong bối cảnh thị trường chưa vẫn chưa phát đi tín hiệu xác nhận tạo đáy dài hạn", các chuyên gia lưu ý.

Tất Đạt

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020