Chuyên mục  


Nhận định này được ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI chia sẻ tại hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam (VTIS 2024), ngày 3/12.

Theo dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, tài sản số là sản phẩm công nghệ được tạo ra, phát hành, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain). Các tài sản này gồm token chứng khoán, tài sản mã hóa dạng chứng khoán, token thanh toán... Chúng có giá và quyền tài sản theo quy định pháp luật.

Ông Hưng cho rằng thiếu khung pháp lý cho tài sản này khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư chọn Singapore, Mỹ đăng ký rồi về hoạt động ở Việt Nam, gây thất thu thuế. Còn ở góc độ người dùng, việc thiếu minh bạch dẫn tới rủi ro trong giao dịch.

"Hoạt động thiếu định hướng khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư lĩnh vực tài sản số tại Việt Nam khó cạnh tranh với các công ty Thái Lan, Singapore", Chủ tịch SSI nói.

Để tận dụng tối đa tiềm năng của tài sản số, ông Hưng cho rằng yếu tố cốt lõi là minh bạch và rõ ràng trong pháp lý. Bởi điều này giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng phát triển trong môi trường an toàn, bền vững.

Mặt khác, những quốc gia tiên phong trong tài sản số sẽ xây dựng được vị thế chiến lược trong kinh tế toàn cầu, bên cạnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI tại sự kiện VTIS 2024, ngày 3/12. Ảnh: VTIS

Thị trường tài sản số phản ứng tích cực kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng 11. Tiền mã hóa Bitcoin đã tăng gần 40% trong tháng trước, theo Coin Metrics. Hiện đồng tiền này giao dịch quanh 94.772 USD một đồng trên sàn Binance.

Thực tế, các nhà đầu tư Việt Nam đã tham gia thị trường này. Chủ tịch SSI dẫn số liệu từ Forbes cho biết người Việt đứng thứ hai về mức độ quan tâm tài sản số và Việt Nam nằm trong bốn thị trường giao dịch tài sản số lớn nhất thế giới.

"Thị trường tài sản số giờ ít mơ hồ hơn chứng khoán năm 2000", ông Hưng nói bên lề sự kiện. Ông cho rằng với bất cứ thị trường nào, vấn đề cần quan tâm nhất là thị trường có tính thanh khoản và nhà đầu tư tham gia. Nếu bỏ lỡ tài sản số lần này, ông e ngại "không biết khi nào cơ hội tương tự mới trở lại".

Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam hồi tháng 8, giai đoạn 2021-2022, Việt Nam nằm trong top 3 thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số (tương đương 21% dân số Việt Nam sở hữu), chỉ sau UAE và Mỹ. Dòng tài sản số vào Việt Nam năm 2023 đạt 120 tỷ USD, theo báo cáo của tổ chức phân tích thị trường Chainalysis.

Việt Nam hiện chưa công nhận tiền số, tài sản số. Song phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 28/11, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng việc để trống hành lang pháp lý với tiền số khiến "Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho những người kinh doanh tiền ảo".

Ông đề nghị Chính phủ cần có thái độ rõ ràng, nghiên cứu, tính toán để có định hướng thu thuế với tiền số, tài sản số. Hiện nhiều nước trong khu vực đã có quy định về vấn đề này. "Không để Việt Nam trở thành nơi trốn thuế của các nhà kinh doanh tiền số. Tất nhiên, đây là vấn đề khó nhưng cần giải quyết", ông nói.

Chủ tịch VinaCapital Don Lam cũng cho rằng blockchain là một thị trường lớn mà Việt Nam không nên bỏ qua. VinaCapital có mặt ở Việt Nam từ năm 2000, hiện đầu tư vào 3 startup lĩnh vực này, gồm nền tảng họp trực tuyến Quickom, Sygum - ngân hàng tài sản kỹ thuật số hợp pháp đầu tiên trên thế giới có trụ sở tại Thụy Sĩ và nền tảng giao dịch tiền số Coinhako.

Ngoài blockchain, ông Don Lam cho biết quỹ này sẽ đầu tư vào công nghệ AI, bán dẫn và trung tâm dữ liệu (data center) ở Việt Nam do giá điện thấp và chi phí thuê đất hợp lý so với khu vực. Việt Nam cũng có ưu thế về điện sạch - nguồn năng lượng tái tạo cần thiết để các tập đoàn công nghệ giảm phát thải.

Việt Nam đứng trước cơ hội chưa từng có trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT. Ông Bình cho biết Việt Nam đang có thế và lực, vừa là bến đỗ an toàn của thế giới trong bão địa chính trị, vừa có những tài năng công nghệ nhiều quốc gia mơ ước.

"Không nhiều nơi như Việt Nam, bất kỳ công nghệ mới nào đều có lực lượng kỹ sư phần mềm học và tham gia. Từ AI, Edutech, blockchain, gaming và nhiều thứ nữa, người Việt đều có thể học và làm được", ông Bình nói.

Thủy Trương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020