4 yêu cầu lớn trong bối cảnh mới được Chủ tịch nước Lương Cường đề cập khi chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) diễn ra sáng nay ở Lima, Peru. CEO Summit là hoạt động nổi bật thường niên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), là sự kiện có quy mô lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) 2024, ngày 15/11. Ảnh: TTXVN
Tại phiên thảo luận về chủ đề "Con người - Doanh nghiệp - Thịnh vượng", ông cho biết, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đầu tiên là cần bảo đảm môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, khuyến khích thương mại và đầu tư toàn cầu, hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế. Tiếp đến là bảo đảm mọi quốc gia, người dân được tiếp cận cơ hội bình đẳng, thụ hưởng xứng đáng thành quả của hợp tác và phát triển.
Bên cạnh đó, ông cho rằng các nước cần có giải pháp căn cơ cho chuyển đổi năng lượng xanh, sạch. Việc này để ứng phó hiệu quả với thách thức lớn nhất của nhân loại là biến đổi khí hậu.
Bốn là bảo đảm các loại công nghệ đột phá, nhất là trí tuệ nhân tạo được phát triển và ứng dụng một cách có trách nhiệm và bao trùm, thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Cùng với những yêu cầu này, Chủ tịch nước cũng đề cập tới vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Ông cho rằng tinh thần lạc quan, dám nghĩ, dám làm, khả năng phát hiện và tận dụng cơ hội ngay cả trong khó khăn chính là chìa khoá để thành công. Ông đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tăng đóng góp trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển công nghệ, định hình luật lệ và quy định kinh tế thế giới, củng cố giao lưu, hợp tác giữa các nước.
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, thế giới và châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua những chuyển đổi to lớn, mang tính thời đại, tác động đa chiều tới mọi quốc gia, doanh nghiệp.
Trước những rủi ro về bảo hộ, phân mảnh, phân tách, ông cho rằng APEC cần gánh vác trách nhiệm cầu nối, kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên. Việc này nhằm xây dựng một hệ thống quản trị kinh tế quốc tế minh bạch, bình đẳng, bảo đảm lợi ích cân bằng cho tất cả các bên, tạo thuận lợi phát triển.
Ông khẳng định Việt Nam ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, tin tưởng vào giá trị của tự do thương mại, kết nối và hội nhập quốc tế. "Việt Nam sẽ tham gia, đóng góp tích cực vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu trên tinh thần là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", ông cho biết.
Chủ tịch nước cũng nói về những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam và cơ hội đầu tư - kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông cho biết Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với tâm thế mới, khát vọng mãnh liệt phát triển đất nước và niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng. Theo ông, hành trang của Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh, năng động với quy mô thứ 35 thế giới; hệ thống chính trị vững mạnh, ổn định; và quan hệ bạn bè, đối tác quốc tế rộng khắp năm châu.
"Việt Nam đã, đang và sẽ mang đến nhiều lợi ích, ưu thế mà không mấy nơi có được cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế", ông nói. Theo ông, những lợi thế quan trọng của kinh tế Việt Nam là vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế năng động, có độ mở cao và mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do.
Thị trường trong nước lớn, đầy tiềm năng sẽ là một điểm đến thuận lợi cho tiến trình dịch chuyển chuỗi cung ứng ở khu vực. Quy mô dân số của Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới, hạ tầng đồng bộ, môi trường kinh doanh thuộc nhóm thuận lợi nhất ở châu Á cũng là những lợi thế.
Ngoài ra, Việt Nam đang khởi tạo một nền kinh tế mới, chuyển đổi từ nâu sang xanh, từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng, số, cũng là những lợi thế để Việt Nam thu hút nhà đầu tư, theo Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước Lương Cường đang thăm chính thức Cộng hòa Peru theo lời mời của Tổng thống Dina Ercilia Boluarte Zegarra và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024.
Việt Nam hiện là Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự APEC về Cải cách cơ cấu giai đoạn 2026-2030, chủ trì xây dựng Báo cáo Chính sách Kinh tế APEC 2025. Việt Nam sẽ đăng cai Năm APEC 2027.
Diễn đàn APEC gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản..., 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, với khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu.
Phương Dung