Truyền thông Mỹ hôm 14/11 dẫn lời hai quan chức Iran giấu tên cho biết cuộc gặp giữa tỷ phú Elon Musk và Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Amir Saeid Iravani diễn ra hồi đầu tuần tại địa điểm bí mật và kéo dài hơn một giờ. Hai bên đã thảo luận về cách hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Iran, cuộc gặp được mô tả là "tích cực".
Karoline Leavitt, phát ngôn viên đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump, tuyên bố "không bình luận về thông tin liên quan các cuộc gặp cá nhân".
Tỷ phú Musk và phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc chưa xác nhận thông tin, trong khi đại sứ quán Iran tại Mỹ không bình luận.
Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng đại diện nước này tại Liên Hợp Quốc không được thông báo về cuộc gặp và họ chưa thể xác thực liệu sự kiện này có diễn ra hay không.
Tỷ phú Mỹ Elon Musk tại Krakow, Ba Lan, ngày 22/1. Ảnh: AP
Nếu thông tin được xác nhận, động thái có thể là dấu hiệu cho thấy ông Trump thực sự muốn cải thiện quan hệ ngoại giao với Iran, không chọn cách tiếp cận cứng rắn mà nhiều thành viên bảo thủ trong đảng Cộng hòa và giới chức Israel mong muốn.
Điều này còn cho thấy sức ảnh hưởng đặc biệt của tỷ phú Musk trong chính quyền mới của Donald Trump. Quan chức Ukraine cuối tuần trước nói Elon Musk đã ở bên cạnh ông Trump khi Tổng thống đắc cử Mỹ điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Ông Trump ngày 12/11 thông báo tỷ phú Elon Musk và cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy sẽ lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ. Cơ quan này không thuộc chính phủ, chịu trách nhiệm tham vấn cho Nhà Trắng về cải tổ các cơ quan liên bang và cắt giảm chi tiêu lãng phí.
Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Amir Saeid Iravani phát biểu trong phiên họp của Hội đồng Bảo an về tình hình Trung Đông ngày 14/4. Ảnh: Reuters
Ông Donald Trump dự kiến nhậm chức vào tháng 1/2025. Trong nhiệm kỳ 2017-2021, ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Kể từ đó, chính phủ Iran đã thúc đẩy chương trình hạt nhân và tiến gần mục tiêu phát triển vũ khí nguyên tử, đồng thời cấm thanh sát viên quốc tế giám sát các cơ sở hạt nhân ở nước này. Mỹ và Iran bắt đầu đàm phán hồi sinh thỏa thuận từ năm 2021, dưới thời Tổng thống Joe Biden, nhưng nỗ lực vẫn bế tắc.
Giới chuyên gia trước đó nhận định 4 năm tiếp theo sẽ là thử thách lớn với Iran, bởi ông Trump có thể tiếp tục chiến lược "gây sức ép tối đa" để cô lập, khiến kinh tế quốc gia Trung Đông lao đao.
Như Tâm (Theo AFP, CNN)