Nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần xây dựng khung pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư nếu cho phép mua bán chứng khoán qua ví điện tử - Ảnh: C.T.
Sự hợp tác này mở ra cơ hội kiếm tiền cho cả hai bên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần xây dựng khung pháp lý cho hình thức hợp tác này nhằm bảo vệ nhà đầu tư.
Giao dịch, vay margin trên ví điện tử
Không chỉ mua bán, giao dịch chứng khoán, người dùng có thể theo dõi biến động thị trường và quản lý danh mục đầu tư trêp apps MoMo. Ngay trên nền tảng này, người dùng còn có thể xem danh sách cổ phiếu có giá trị lớn nhất, có giá tăng mạnh nhất hoặc được người dùng giao dịch nhiều nhất...
Một tính năng nổi bật nhất mà MoMo thời gian qua đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, đó là tự động tách lệnh tròn lô cho người dùng. Theo đó, người dùng có thể linh hoạt mua số lượng cổ phiếu theo nhu cầu, mà không phải tự tính lô chẵn và lô lẻ, hay phải tách lệnh.
Về liên kết thanh toán, người dùng có thể rút từ ví MoMo hoặc ngân hàng liên kết. Cụ thể, ví MoMo tự động nạp tiền về tài khoản chứng khoán tại CVS khi đặt lệnh mua chứng khoán.
Ở giai đoạn đầu, người dùng có thể mua chứng khoán bằng nguồn tiền của mình. Tuy nhiên, theo MoMo, CVS sẽ cung cấp dịch vụ cho vay margin thông qua MoMo để mua chứng khoán.
Tuy nhiên, phản ánh tới Tuổi Trẻ, nhiều nhà đầu tư băn khoăn về tính pháp lý và liệu việc thông qua một bên thứ ba giao dịch như vậy có tiềm ẩn rủi ro với nhà đầu tư hay không? Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán ở Hà Nội cho biết: vẫn chưa có quy định cụ thể về hình thức này.
"MoMo không phải là công ty chứng khoán, không có chức năng giao dịch, không thể đứng ra nhận lệnh như công ty chứng khoán", vị này nói và cho rằng việc hợp tác này cần được làm rõ với phía nhà đầu tư, tránh trường hợp khách hàng chỉ biết tới ví điện tử này cho đến khi phát sinh các vấn đề rủi ro trong giao dịch, thanh toán.
Một cán bộ quản lý chứng khoán cũng cho biết chưa có pháp lý cụ thể cho hình thức hợp tác này. Theo vị này, vai trò của MoMo như một ứng dụng trung gian đơn thuần. Cũng theo vị này, cần làm rõ, khách hàng khi giao dịch trên MoMo có biết rõ vai trò và trách nhiệm của MoMo, cũng như biết rõ họ thực chất đang giao dịch qua CVS hay không.
Cũng theo vị này, giao dịch lô lẻ hoàn toàn tách biệt với giao dịch lô chẵn, cũng không được khớp lệnh chung với chứng khoán lô chẵn. "Nếu có hợp tác, cần báo cáo cơ quan quản lý nhà nước để có sự giám sát và kịp thời có hướng dẫn", vị này nói.
Ai bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện CVS cho biết sản phẩm chứng khoán là mini app (app trong app - PV) của CVS được tích hợp trên MoMo. Theo đó, MoMo chỉ đóng vai trò cung cấp nền tảng công nghệ và dịch vụ trung gian thanh toán. Còn thực tế người dùng giao dịch trực tiếp với CVS.
"Sản phẩm chứng khoán của CVS tích hợp trên MoMo đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán và giao dịch chứng khoán trực tuyến, đồng thời đảm bảo mọi quyền lợi cho người dùng tương tự như giao dịch trên một nền tảng giao dịch chứng khoán riêng biệt", vị này nói.
Trả lời về thông tin "người dùng có thể giao dịch chỉ từ 1 cổ phiếu", đại diện công ty chứng khoán này cho rằng điều này đã được quy định tại điều 33, quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết được ban hành kèm theo quyết định số 17/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Theo giới thiệu của MoMo, người dùng có thể linh hoạt mua số lượng cổ phiếu theo nhu cầu mà không phải tự tính lô chẵn và lô lẻ hay phải tách lệnh, giúp trải nghiệm giao dịch chứng khoán liền mạch. Tuy nhiên, theo quy chế các sở giao dịch và hầu hết các công ty chứng khoán đều phải giao dịch tách lô.
Đại diện CVS cho biết trên thực tế, hệ thống CVS sẽ tự động tách lệnh giao dịch của người dùng thành lệnh đặt lô chẵn và lệnh đặt lô lẻ trước khi gửi vào hệ thống giao dịch của các sở giao dịch chứng khoán.
Trước đó, công ty chứng khoán DNSE và ví điện tử ZaloPay cũng hợp tác ra mắt sản phẩm tài khoản chứng khoán trên ví điện tử. Theo một chuyên gia chứng khoán, các công ty chứng khoán mới hoặc quy mô nhỏ trên thị trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh mở rộng thị phần.
Vị này nói cần ủng hộ cái mới và sự sáng tạo, nhưng cơ quan quản lý cần có hướng dẫn, tránh tạo khoảng trống pháp lý. "Mô hình mới nhưng xuất hiện rủi ro, gây đổ vỡ niềm tin lấy lại rất khó", vị này khuyến cáo.
Trong khi đó, Tuổi Trẻ đã liên hệ với phía Ủy ban Chứng khoán để làm rõ về vấn đề này nhưng chưa nhận được phản hồi. Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục cập nhật khi nhận được hồi đáp từ phía cơ quan quản lý.
CVS đang kinh doanh ra sao?
Công ty CP Chứng khoán CV (CVS) được thành lập từ năm 2009, với tên gọi ban đầu là Chứng khoán Hồng Bàng, trước khi được đổi tên thành Chứng khoán Hưng Thịnh vào năm 2015. Đến năm 2017, công ty này chuyển trụ sở từ TP.HCM ra Hà Nội, đồng thời đổi tên thành Chứng khoán CV. Đến 2023, công ty này lại chuyển trụ sở chính về quận 7, TP.HCM.
Theo báo cáo thường niên năm 2023, vốn điều lệ của CVS đã tăng lên gần 158 tỉ đồng sau nhiều lần điều chỉnh. Trong năm 2022, CVS đạt doanh thu khoảng 3,9 tỉ đồng và con số này tăng lên 4 tỉ đồng vào năm 2023. Trong đó, doanh thu năm 2023 chủ yếu đến từ hoạt động tài chính - lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Tuy nhiên, cả hai năm này CVS đều lỗ lần lượt 1,22 tỉ đồng và hơn 13 tỉ đồng.
Đến quý 1-2024, kết quả kinh doanh vẫn chưa cải thiện dù có nhà đầu tư mới. Theo đó, doanh thu chỉ đạt 311 triệu đồng, giảm mạnh so với mức hơn 1,33 tỉ đồng cùng kỳ năm trước, trong khi áp lực chi phí lớn, CVS lỗ ròng hơn 6,3 tỉ đồng.
Tính đến cuối tháng 3-2024, CVS lỗ lũy kế khoảng 100 tỉ đồng. Theo CVS, mục tiêu sắp tới của công ty chứng khoán này là tập trung phục vụ khách hàng của MoMo, có tuổi đời trẻ, quy mô đầu tư chưa quá lớn nhưng có số lượng đông đảo.