Quảng cáo TH True Milk tại một clip dnf dựng, bắt cóc, bán giết - Ảnh chụp màn hình
"Chào mừng tất cả các chị em đã quay trở lại với bà Vê nữa rồi nè... Vê quyết định làm một clip hồ bơi nhưng không phải bơi bình thường, mà mình bơi với 1 triệu viên hạt xốp bảy màu...", một nữ YouTuber mở đầu video trên kênh của mình.
Quảng cáo sữa và cảnh bắn súng, giết người
Sau đó, cô cùng nhóm bạn đổ một túi lớn đựng các hộp xốp nhiều màu vào bể bơi phao, rồi nhảy vào tắm. Sau hai ngày đăng, video có tới 290.000 lượt xem. Trong video trên xuất hiện đoạn quảng cáo sữa Milo.
Nhiều người băn khoăn lâu nay Milo liên tục truyền thông: Phát triển bền vững là một mục tiêu dài hạn mà doanh nghiệp sẽ kiên định theo đuổi. Như vậy, một video sử dụng bừa bãi hạt xốp, tạo ra rác thải ảnh hưởng đến môi trường, vẫn có quảng cáo của hãng. Kế sau Milo là quảng cáo của sữa tắm Lux.
Vào xem video có tên "Giải Cứu Con Tin 9 - NCT Vlogs", lập tức xuất hiện đoạn nhạc quảng cáo của hãng sữa TH True Milk. Sau khi bấm nút không xem quảng cáo trên, thương hiệu TH True Milk lại hiển thị dưới chân video chính. Đáng chú ý, mở đầu "phim ngắn" là cảnh dàn dựng một nhóm trẻ em bắt cóc một em nhỏ ở ngoài đường. "Tốt lắm, trói nó lại, gọi điện cho người thân, tống tiền nó...", nhân vật đại ca nói.
Clip tiếp tục gay cấn hơn khi cuộc giải cứu bắt đầu. Sau màn liên tục bắn, em nhỏ trong vai giải cứu đã lấy đạo cụ giống dao, diễn cảnh cắt cổ một em nhỏ đang ngồi trên ghế nhựa... Sau bốn năm đăng tải, đến nay video này có hơn 33 triệu lượt xem, khi kích vào vẫn hiện quảng cáo.
Quảng cáo chỗ... xấu, bẩn, đừng nói do vô tình!
Một lãnh đạo doanh nghiệp truyền thông lớn cho rằng các doanh nghiệp khó lòng mà vô tình quảng cáo trên kênh xấu, bẩn. Vì các doanh nghiệp lớn đều có bộ phận truyền thông, họ phải báo cáo hằng ngày những vấn đề phát sinh. Các hợp đồng quảng cáo dù trên nền tảng nào cũng phải đo tác động, thậm chí phải trao đổi với đại lý thường xuyên để điều chỉnh.
Trong khi việc quảng cáo trên các kênh nhảm, xấu độc diễn ra trong thời gian dài.
Ông Chu Thanh Đức, quản lý truyền thông số của Công ty Bidmanth Vietnam, cho biết nhiều thương hiệu không quan tâm đến chạy trên trang nào, miễn sao đạt mục tiêu lượng truy cập của khách hàng tiềm năng. Trong khi những người dùng vào các trang phim lậu, kênh nhảm, phim 18+... chủ yếu lại là người trẻ, đúng nhóm tiềm năng.
Nên sau mỗi đợt "ra quân" của cơ quan chức năng, trang xấu nhảm này đóng ngay lập tức có trang mới xuất hiện và "sống khỏe" nhờ quảng cáo.
Theo ông Đức, các thương hiệu khi thực hiện quảng cáo trực tuyến với đối tác trung gian đều có thể yêu cầu thương hiệu không xuất hiện những trang nào, mà giới trong nghề đều nhận biết đó là "an toàn thương hiệu".
Giám đốc tiếp thị một doanh nghiệp nước giải khát cũng cho biết hiệu quả từ quảng cáo trực tuyến là "rất thực". Nhưng an toàn thương hiệu thể hiện trách nhiệm xã hội của thương hiệu đó với cộng đồng... "Giá trị này nếu bị xem nhẹ thì người dùng hoàn toàn có thể nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu đó", vị này kết luận.
Tuổi Trẻ tiếp nhận phản ánh của bạn đọc
Nhiều kênh xấu, độc, nhảm đang tác động hằng ngày đến từng gia đình, nhất là những gia đình có con em còn nhỏ, tuổi hiếu động, tò mò khám phá cái mới. Những vụ việc phát sinh, những tình huống nguy hiểm, những tác động âm thầm nhưng nguy hại... từ những kênh xấu-độc-nhảm, bạn đọc có thể gửi đến Tuổi Trẻ kèm kiến nghị.
Chúng tôi cũng tiếp nhận những thông tin về các nhãn hàng quảng cáo trên các kênh xấu-độc-nhảm này để tiếp tục đưa tin, phản ánh tới các cơ quan quản lý nhằm giúp môi trường Internet an toàn và thân thiện hơn.
Mọi thông tin phản ánh xin gửi về hộp thư: kinhte@tuoitre.com.vn.
View là tiền nên bất chấp
Theo tìm hiểu tại Việt Nam, thông thường YouTuber có thể kiếm được từ 5 - 10 triệu đồng cho 1 triệu lượt xem (view). View được quy ra tiền, nên không ít người đã làm mọi cách để câu view.
Tuy nhiên, do câu view bất chấp nên nhiều chủ kênh YouTube từng bị xử phạt. Điển hình như kênh YouTube có tên Timmy TV có nhiều video có nội dung rùng rợn như: "Timmy kể chuyện em trai giết anh ruột", "Timmy tiết lộ gia tộc chết sạch không còn một ai"...
Không chỉ YouTube, nhiều video trên các nền tảng khác như Facebook, TikTok có nội dung nhảm, bẩn, thu hút nhiều lượt xem, từ đó gầy dựng "số má" cho chủ kênh. Chẳng hạn kênh TikTok Nờ Ô Nô thu hút đến 600.000 lượt người theo dõi trong năm 2022 dù đăng nhiều video có nội dung không tôn trọng người già neo đơn.