Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 diễn ra tại sân bay Gia Lâm ở thủ đô Hà Nội từ ngày 8-10/12. Khu vực trưng bày của nước chủ nhà Việt Nam tập trung vào những công nghệ, sản phẩm mang nghệ thuật phòng vệ và chiến tranh nhân dân, cùng với hàng loạt khí tài đang có trong biên chế quân đội.
Bộ Quốc phòng trưng bày nhiều loại vũ khí, khí tài tại triển lãm, nhưng nổi bật trong số đó là cặp tên lửa đạn đạo chiến thuật R-17E và hệ thống phòng thủ bờ 4K44 Redut, được Liên Xô cung cấp trong thập niên 1980. Chúng thu hút sự chú ý của khách tham quan nhờ kích thước lớn và các thông số kỹ chiến thuật ấn tượng.
R-17E Elbrus (NATO định danh Scud-B) là một trong những tên lửa đạn đạo phổ biến nhất của Liên Xô, với khoảng 7.000 quả được chế tạo và xuất hiện trong biên chế quân đội 32 nước. Viện Nghiên cứu Hòa bình và Quốc tế Stockhom (SIPRI) cho biết Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất sở hữu loại tên lửa này, với hàng chục quả được Liên Xô cung cấp năm 1981.
Xe chở đạn kiêm bệ phóng và tên lửa thuộc hệ thống R-17E tại triển lãm hôm 9/12. Ảnh: Vũ Anh.
Tên lửa R-17E có tốc độ 4.940 km/h và tầm bắn 300 km, mang được nhiều loại đầu đạn khác nhau. Tên lửa được đặt trên xe bệ phóng (TEL) bánh hơi MAZ-543, tăng khả năng cơ động và ẩn náu trước các đợt tấn công của đối phương.
Quá trình phóng diễn ra tự động, nhưng thường được điều khiển bởi xe chỉ huy riêng biệt. Tổ hợp có thể sẵn sàng khai hỏa trong khoảng một giờ từ khi triển khai. Tên lửa này thường được sử dụng để tấn công mục tiêu cố định, không được gia cố của đối phương.
Trong khi đó, tổ hợp phòng thủ bờ 4K44M Redut-M sử dụng tên lửa diệt hạm được Liên Xô phát triển thời Chiến tranh Lạnh. Đạn tên lửa của hệ thống này vẫn được Nga biên chế và sử dụng trong tổ hợp Utyos.
Xe chở đạn kiêm bệ phóng của tổ hợp Redut-M trưng bày tại triển lãm hôm 9/12. Ảnh: Vũ Anh.
Thống kê của SIPRI cho thấy Liên Xô cung cấp cho Việt Nam một tổ hợp Redut-M cùng hàng chục tên lửa vào năm 1980. Loại vũ khí này hiện được biên chế cho Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân.
Hệ thống Redut-M có những thành phần chính là đài điều khiển mặt đất Skala-E, đài chỉ huy, cùng ba xe chở đạn kiêm bệ phóng, mỗi xe mang được một tên lửa đặt trong ống phóng. Tất cả các thành phần đều được đặt trên khung gầm bánh lốp để tăng khả năng cơ động.
Tên lửa P-28 của hệ thống có chiều dài 10,2 m, đường kính thân gần một m, có khối lượng phóng khoảng 4,2 tấn. Tên lửa có phần cánh nâng với sải cánh 2,6 m, có thể gấp gọn trong ống phóng. Quả đạn P-28 được lắp hai tầng đẩy sơ tốc dùng nhiên liệu rắn, giúp đẩy tên lửa khỏi ống phóng và đạt tốc độ đủ cao để kích hoạt động cơ turbine phản lực.
Xe nạp đạn cùng tên lửa P-28 của tổ hợp Redut-M trưng bày tại triển lãm hôm 9/12. Ảnh: Vũ Anh.
Đạn tên lửa P-28 của hệ thống Redut-M có tầm bắn 300 km, độ cao hành trình tối đa 7 km và tốc độ gần 1.400 km/h. Nếu phóng theo loạt nhiều quả, một tên lửa có thể bay cao để dùng radar bám bắt mục tiêu, đồng thời chia sẻ dữ liệu cho các quả đạn bay thấp hơn.
Trong giai đoạn lao đến mục tiêu, tên lửa P-28 sẽ hạ độ cao xuống 25-100 m để né tránh radar phòng không, hạn chế thời gian phản ứng và khả năng đánh chặn của đối phương.
Tên lửa P-28 được trang bị đầu đạn nặng 560 kg, có thể phá hủy nhiều loại chiến hạm, kể cả tàu sân bay và tàu đổ bộ hạng nặng, nếu đánh trúng đích.
Vũ Anh